Review Category : Cộng đồng Việt

Đêm hội mừng xuân Giáp Ngọ 2014 cùng Sinh viên Xây dựng tại Pháp

(Dân trí) – Năm hết Tết đến cũng là dịp để những người con xa nhà tụ họp tiễn đưa năm cũ, nâng cốc đón mừng một mùa Xuân mới và cùng nhau hướng về quê hương Việt Nam thân yêu.

Tetxd1
Nối tiếp thành công của Tết Xây Dựng 2013, đêm hội mừng Xuân Giáp Ngọ – Tết Xây Dựng 2014 đã diễn ra tại thủ đô Paris tối mồng 3 Tết vừa qua, hòa chung vào không khí nhộn nhịp đón Xuân của các bạn du học sinh Việt Nam trên khắp mọi miền nước Pháp.

Giữ truyền thống gần đến Tết Nguyên Đán là chuẩn bị gói bánh chưng, trước ngày tổ chức Tết, các bạn du học sinh đã tụ họp tự tay đóng khuôn bánh, ngâm gạo, đãi đỗ, gói bánh và quây quần cùng trông nồi bánh với cảm giác háo hức đợi chờ sản phẩm là những chiếc bánh chưng do tự tay mình làm ra.

 Tetxd2

Chương trình văn nghệ Chào Xuân năm nay rất phong phú bao gồm nhiều tiết mục ca nhạc của các bạn cựu SV ĐH XD và dàn ca sĩ khách mời đã khẳng định tên tuổi trong giới du học sinh tại Paris. Nhiều tiết mục đặc sắc cây nhà lá vườn như múa lân, biểu diễn thời trang áo dài, múa nón lá, đố vui… đã được các bạn trong BTC dành thời gian, công sức lên kế hoạch tập luyện, đạo diễn chương trình 1 cách bài bản.

 

Dịp đầu năm mới, các bạn sinh viên còn nhận được những lời chúc mừng, động viên qua video chúc Tết của các thầy cô trường ĐH XD, là khoảnh khắc nhớ về mái trường đã từng gắn bó với nhiều kỉ niệm 1 thời sinh viên.

Khi nói đến nét văn hóa Việt, không thể không nhắc đến tà áo dài truyền thống. Dù đi đâu, ở đâu, vẫn thấy tà áo dài thật thân quen. “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”. Màn biểu diễn thời trang áo dài và màn múa nón trong tà áo dài trắng tinh khôi đã mang chút hương sắc truyền thống vào Tết XD 2014.

 

Tetxd3

 

Tết năm nay như rộn ràng hơn với tiết mục múa lân của 4 chàng trai kỹ sư Xây dựng trên đất Pháp trong sự cổ vũ nhiệt liệt của khán giả. Buffet tiệc đứng với những món ăn truyền thống: nem, nộm, giò tai, bánh chưng…mang lại hương vị Tết góp phần làm nguôi bớt nỗi nhớ nhà.

 

 Tetxd4

Tết cũng không thể thiếu màn lì xì cho các em nhỏ, trong số đó có không ít bé là thế hệ F1 của các anh chị cựu SV ĐH XD hiện đang công tác tại Pháp. Trò chơi miêu tả con vật qua hành động, với phần thắng thuộc về đội áo dài.

 

Năm nay có những bạn là Tết đầu tiên đi xa nhà, có những bạn đã qua nhiều cái Tết không được quây quần bên người thân nhưng mọi người đều cảm nhận được không khí Tết ấm áp bên bạn bè.

 

Tetxd5

Bạn Hoàng Mạnh Hiếu, trưởng BTC Tết XD năm nay chia sẻ: “Tuy không được đón Tết cùng với gia đình, những qua chương trình Tết Xây dựng và những người bạn, bọn mình cũng đã cảm nhận được phần nào không khí Tết cổ truyền đầm ấm tại Việt Nam.

 

Cũng giống như những năm trước, năm nay không chỉ có sự tham gia của đông đảo anh chị em là cựu sinh viên trường ĐH Xây dựng mà còn sự giúp đỡ, tham gia nhiệt tình của bạn bè ở các trường khác, qua đó tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các anh chị em và xoa vợi nỗi nhớ nhà trong những ngày đầu năm mới”.

 

Tetxd6

Tết XD 2014 khép lại trong tiếng nhạc mừng Xuân rộn rã, với lời cầu chúc của các bạn du học sinh cho 1 năm mới với nhiều hi vọng và khởi đầu mới.

 

Nguyễn Thúy Ngọc

DHS tại Pháp

read more

Gặp nữ sinh đoạt giải Sinh viên xuất sắc của Hội SVVN tại Pháp

(Dân trí) – Cùng lắng nghe chia sẻ của Nghiêm Hà Giang, cô nữ sinh đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, người đoạt giải sinh viên xuất sắc của UEVF năm 2012.

Chào bạn, chúc mừng bạn về những thành tích xuất sắc trong học tập và được giải thưởng Sinh viên xuất sắc. Bạn có thể chia sẻ với độc giả đôi chút về bản thân?

Mình là Nghiêm Hà Giang, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, nước Pháp.

 

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Con đường bạn đến với nước Pháp như thế nào?

Theo học chương trình song ngữ Pháp – Việt từ năm lớp 1 đến hết lớp 12, văn hóa Pháp, tiếng Pháp đã gắn liền với tuổi thơ, theo suốt tuổi học trò của mình. Với quá trình tiếp xúc lâu như thế thì lựa chọn đến với nước Pháp để tiếp tục học Đại học, đối với mình, như là một điều hiển nhiên vậy.

Không ít bạn trẻ Việt Nam đã gặp phải những “cú sốc” khi chuyển tới học tập và sinh sống ở một đất nước xa lạ. Với bản thân bạn, khó khăn của bạn là gì khi bắt đầu hành trình du học?

Khó khăn thì ắt là ai cũng sẽ gặp phải rồi. Một cuộc sống hoàn toàn khác so với trước, xa gia đình, đối với đa số mọi người đều không đơn giản. Với mình cũng vậy. Nhưng có lẽ may mắn hơn nhiều người là mình có được sự tiếp xúc toàn diện với văn hóa Pháp từ sớm, nên không vấp phải “sốc văn hóa”.

Nhưng những “cú sốc” khác thì mình không tránh khỏi. Du học là lần đầu tiên mình xa bố mẹ đến như thế. Xa về cả không gian lẫn thời gian. Thời gian đầu, cảm giác nhớ nhà luôn thường trực: mỗi buổi sáng ngủ dậy, mỗi bữa cơm, mỗi khi gió lạnh không có người nhắc mình phải mặc ấm… Nhưng ưu điểm của con người là sự thích nghi mà đúng không? Sau 1 thời gian thì mình đã lấy lại cân bằng để thích nghi với môi trường mới, bạn bè mới và tập trung vào học hành.

 

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Hãy chia sẻ kinh nghiệm để có thể đạt kết quả học tập tốt như bạn?

Mình cũng không có kinh nghiệm gì đặc biệt đâu. Mình thấy để có kết quả cao thì sự chăm chỉ là quan trọng nhất. Thiên tài cũng có đến 99% là nhờ vào sự chăm chỉ nên mình dù không có được 1% thiên bẩm vẫn có thể lấy sự chăm chỉ để bù vào. Ngoài ra thì nếu có thể sắp xếp khoa học thời gian học các môn cũng giúp rất nhiều cho việc nhớ lâu, đặc biệt quan trọng đối với những người học bên khoa học với rất nhiều công thức cần ghi nhớ như mình. Trước mỗi kì thi, mình luôn thả lỏng đầu óc, đi dạo hoặc chơi trò chơi ưa thích, nó giúp mình bớt căng thẳng và thấy tự tin hơn.

 

Bạn nhận thấy môi trường học tập ở Pháp thế nào? Có điểm gì tích cực hoặc khác biệt so với môi trường học ở trong nước?

 

Đối với mình thì môi trường học tập ở Pháp rất tốt. Như ngành mình đang theo học, mỗi học kì mình học 6 môn học chính. Thời gian của mỗi môn được chia đều để học lí thuyết, làm bài tập và thực hành. Kỹ năng làm việc nhóm và tự học của học sinh cũng được đề cao với các đề tài xuyên suốt cả học kì. Các thầy cô giáo thì rất nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn và giải đáp mỗi khi sinh viên có câu hỏi.

 

Mình đi du học từ sớm, không có cơ hội trải nghiệm cuộc sống giảng đường ở Việt Nam nên không có gì để so sánh, đó cũng là thiệt thòi của mình so với bạn bè đồng trang lứa.

 

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Một ngày của bạn như thế nào? Bạn thường làm gì trong lúc rảnh rỗi?

Một ngày bình thường của mình đơn giản đến đơn điệu (cười). Lịch học của mình khá kín. Mình sẽ ở trường từ 8h-18h những ngày học, buổi tối về cũng không có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Còn nếu là ngày nghỉ, có thời gian một chút thì mình thích vào bếp, nấu các món ăn Việt Nam hoặc làm một cái bánh thật bự mời bạn bè.

Dự định của bạn sau khi kết thúc khóa học? bạn có trở về nước để lập nghiệp? Bạn có thể chia sẻ với bạn đọc ước muốn và kế hoạch của mình trong tương lai?

Sau khi kết thúc khóa học về Viễn thông, mình muốn học thêm một chút về quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp trước khi chính thức tìm việc làm. Sau đó, mình muốn tìm một công việc ngắn hạn tại Pháp hoặc một nước khác để có thể tìm hiểu về môi trường làm việc quốc tế cũng như hiểu biết về các công nghệ viễn thông của các nước phát triển. Tương lai xa thì chắc chắn mình sẽ trở về Việt Nam, viễn thông ở Việt Nam vẫn đang là một lĩnh vực nhiều tiềm nãng có thể khai thác được.

Lời khuyên của bạn dành cho các bạn trẻ đang có ý định du học Pháp?

Mình muốn nhắn nhủ (chứ cũng không dám khuyên đâu nhé) tới các bạn đang có ý định du học Pháp đó là cần tìm hiểu thật kĩ về ngành, về trường thậm chí là cả thành phố mà bạn muốn theo học. Hiện nay thì mọi thông tin đều có thể tìm thấy đơn giản thông qua các trang xã hội, trang web, báo chí… là một thuận lợi lớn cho các bạn khi tìm kiếm thông tin. Ngoài hành trang kiến thức thì sự tự tin cũng sẽ là một bí quyết cho sự thành công trên con đường du học xứ người đấy!

Cảm ơn bạn về cuộc phỏng vấn và chúc bạn sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

 

Bài: Nguyễn Mạnh Linh

Ảnh: NVCC

read more

Cách đón tết xa nhà của sinh viên Việt Nam tại Pháp

Tết Việt Nam đối với những người con xa quê luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, dù về Việt Nam hay ở lại nơi đất khách, ai cũng háo hức chờ đón Tết, ai cũng háo hức chuẩn bị cái Tết của riêng mình theo một cách rất riêng. Dù giàu hay nghèo sinh viên hay đã đi làm, độc thân hay đã có gia đình, chúng tôi những người con xa quê trên mọi nẻo đều hướng về gia đình đều hướng về quê hương.

Hơn 3 năm xa nhà, cái Tết thứ 4 buồn mà không vô ích của tôi lại sắp đến. Buồn vì Tết tôi với các bạn vẫn hối hả với công việc học hành, việc chính, việc phụ, buồn vì không thực sự có thời gian trống để nghĩ về gia đình một cách trọn vẹn, buồn vì chúng tôi ở quá xa, chẳng có gì bù đắp được khoảng cách quá lớn với gia đình mà sinh viên xa nhà ai cũng thổn thức. Sinh viên mỗi người đón Tết một kiểu, người thì tụ tập bạn bè, ăn uống cho đỡ cô đơn, người thì bận bịu công việc chẳng có thời gian đón Tết, hơn ba năm tôi công tác hội sinh viên cùng anh chị em đón Tết chung nên cảm thấy buồn nhưng không hề vô ích. Chắc hẳn nhiều bạn sinh viên, học sinh chuẩn bị du học, sẽ tò mò không biết cái tết phương xa nó ra sao, sẽ đón tết 1 mình hay như thế nào. Chính tôi trước khi sang Pháp cũng tò mò chuyện đó. Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Pháp tôi đã có anh chị em sinh viên giúp đỡ đón ở sân bay, bến tàu, cũng vì thế mà thực sự tôi vượt qua được giai đoạn đầu vô cùng khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất một cách dễ dàng. Cũng vì thế tôi đã quyết định tham gia hội sinh viên, và ngay từ đầu tôi đã tự nhận cho mình trách nghiệm phát triển hội sinh viên để có thể hỗ trợ được nhiều hơn, để có thể nhân rộng sức mạnh của cộng đồng sinh viên Việt trên đất khách.

 

Cả 3 cái Tết tôi đều tham gia tổ chức chương trình tết cho anh chị em sinh viên và cả việt kiều cũng như bạn bè quốc tế nữa. Chúng tôi tổ chức bữa tiệc lớn cho vài trăm người, và cả một chương trình văn nghệ đặc sắc quảng bá văn hoá Việt Nam cho bạn bè nước ngoài. Vui nhất là quá trình chuẩn bị, để có được 1h30 trên sân khấu, các bạn sinh viên đã tập luyện không ngừng nghỉ trong vòng 1 đến 2 tháng. Rất vất vả vì thời gian Tết Nguyên Đán trùng vào đợt thi nên ai cũng bận. Rồi để có bữa tiệc truyền thống thịnh soạn cho mấy trăm con người, anh chị em sinh viên phải chuẩn bị trước cả tuần thức thâu đêm luộc bánh chưng, chế biến đồ ăn vì đồ ăn Việt bao giờ làm cũng rất công phu.

Các bạn sinh viên cùng gói bánh trưng đón tết

Các bạn sinh viên cùng gói bánh trưng đón tết

 

Nhưng bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến khi nhìn thấy tà áo dài Việt Nam, thấy những điệu múa dân tộc, được trình diễn trên những sân khấu hoành tráng của đất nước bạn. Tự hào bao nhiêu khi ăn những món ăn quê hương do chính tay anh chị em sinh viên chuẩn bị. Mệt nhưng vui và hãnh diện lắm khi văn hoá của mình được các bạn bè quốc tế đón nhật một cách rất trân trọng và nhưỡng mộ, qua 3 năm tôi thấy rõ một điều rằng người Pháp biết đến chúng tôi nhiều hơn, muốn được tham gia đón Tết cùng chúng tôi. Chẳng thế mà Tết năm nào họ cũng mong đến ngày tết Việt để được đi dự chương trình đặc biệt.

Tác giả bài viết giao lưu cùng thị trưởng thành phố trực thuộc trong chương trình Tết

Tác giả bài viết giao lưu cùng thị trưởng thành phố trực thuộc trong chương trình Tết

Một trong số những tiết mục văn nghệ sinh viên tại Bordeaux biểu diễn trong chương trình Tết

Một trong số những tiết mục văn nghệ sinh viên tại Bordeaux biểu diễn trong chương trình Tết

van-nghe-sv-phap

Một tiết mục văn nghệ hoành tráng do các bạn sinh viên thực hiện

do-an-tet

Những món ăn trong chương trình Tết

Đấy là Tết chung, ngoài ra anh chị em sinh viên cũng tổ chức tết riêng ở nhà nữa, thường thì cũng kéo dài 3-5 ngày, mỗi ngày ăn ở nhà một người, ban ngày vẫn đi làm nhưng tối về thì tụ tập ăn uống, nấu những món ăn Tết. Nói chung là cũng xôm.

Quay lại với cá nhân tôi Tết nào cũng là dịp bận bịu nhất đúng là cả tết có lẽ tôi gọi điện về nhà chúc Tết được một lượt mỗi người nói chuyện chưa đầy một phút. Rồi lại quay lại với công việc nên không có thời gian để nhớ nhà, nhưng đúng là trong đầu lúc nào cũng vương vấn chút gì đó băn khoăn về gia đình. Khi nghĩ đến cảnh tết đoàn viên cũng có chút xíu chạnh lòng.

Năm nay, là năm rất đặc biệt năm quan hệ Việt Pháp, ở Pháp sẽ có rất nhiều chương trình Tết lớn, được tổ chức bởi cả 2 nước, tôi và nhiều bạn sinh viên cũng sẽ tham gia. Đây là cơ hội rất lớn đề học hỏi về quá trình tổ chức sự kiện, cũng như là một dịp để giao lưu văn hoá.

Vây đấy chia sẻ một chút về cái Tết xa quê của tôi để bạn bè có thể hiểu thêm một chút về cái Tết xa quê, và đặc biệt là để các bạn chuẩn bị xa quê hương hình dung cái Tết xa nhà sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều, dù bạn có đi đâu, ở đâu cũng có đồng bào mình, họ sẽ luôn giang cánh tay đón bạn. Và đừng ngại coi họ như gia đình thứ 2 của bạn, họ chính là điểm tựa của bạn khi bạn xa gia đình.

Chúc các bạn xa nhà đón 1 cái Tết thật đầm ấm và đủ .

Mạnh Linh NGUYỄN

read more

Tại sao nước Pháp là điểm đến thích hợp với người Việt Nam

Đất nước của kinh đô ánh sáng hiện nay có khoảng 7.500 du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc do chất lượng giáo dục cao, mở cửa với sinh viên quốc tế, nhiều cơ hội học bổng và làm việc sau tốt nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà số du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng mạnh như hiện nay. Mỗi năm Pháp tiếp nhận gần 1.500 sinh viên Việt Nam, số lượng này tăng liên tục và không dưới 150 hợp tác được ký kết giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam.

Chất lượng giáo dục Pháp được đánh giá cao trên thế giới với nhiều ngành mũi nhọn như kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, kinh tế, khoa học cơ bản…

Đặc biệt việc chi trả cho thời gian học tập ở Pháp khá đa dạng và không quá đắt đỏ so với một số quốc gia Âu – Mỹ khác. Mức học phí đại học tại Pháp rất rẻ, vào khoảng 174 euro một năm cho bậc đại học, 237 euro cho bậc thạc sĩ và 359 euro cho bậc tiến sĩ.

Mức học phí này áp dụng chung cho cả sinh viên Pháp và nước ngoài. Ngoài ra, những sinh viên được học bổng của Chính phủ Pháp còn được miễn học phí.

Các học bổng khá dồi dào như: học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp, học bổng tài năng Eiffel trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm, học bổng tiến sĩ Erasmus-Dem, học bổng Bộ giáo dục – Đào tạo Việt Nam…

Lâm Thanh Phong, du học ngành cầu đường tại Đại học Ecole Nationale des Ponts et Chausesees (ENPC), vốn được đánh giá là trường đào tạo kỹ sư cầu đường tốt nhất Pháp, cho biết: “Nếu quan tâm và đầu tư ngay từ đầu thì việc xin được học bổng du học Pháp là nằm trong tầm tay”.

Điểm cộng khác là mạng lưới sinh viên ở Pháp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú gắn kết các thế hệ du học sinh và hỗ trợ tân sinh viên làm quen cuộc sống mới.

Lời khuyên từ rất nhiều cựu sinh viên là dù đến Pháp theo diện du học tự túc hay học bổng thì việc xúc tiến tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. “An cư” mới “lạc nghiệp”, ngay khi có giấy báo nhập học của trường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên để làm thủ tục.

Ngoài ra, cộng đồng sinh viên Việt Nam thường trao đổi thông tin về nhà ở để giúp đỡ nhau, đặc biệt vào cuối năm học, khoảng tháng 5 thì dễ dàng tìm nhà trọ do các bạn sinh viên Việt Nam học xong chuyển thành phố hoặc vê nước. Việc thuê nhà trọ, bạn cần kĩ lưỡng và có hợp đồng chi tiết để tránh gặp rắc rối về sau.

Ở Pháp, với thẻ sinh viên, có thể làm việc mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ lao động không quá 964 giờ trong một năm. Các công việc phổ biến bao gồm trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà…

Thu nhập từ công việc làm thêm sẽ giúp trang trải đáng kể chi phí sinh hoạt, giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, thuận lợi để tìm kiếm công việc sau tốt nghiệp bởi yếu tố độc lập, trưởng thành ở phương Tây luôn được đánh giá cao.

Yếu tố bảo hiểm cần được lưu tâm. ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, du học sinh nên mua thêm bảo hiểm bổ sung, chỉ cần chi thêm một khoản nhỏ nhưng được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Kỳ thực tập bắt buộc có thể bắt đầu ngay từ năm 1, thường kéo dài 1 đến 3 tháng, và kỳ thực tập năm cuối dài hơn, thường 4 – 9 tháng. Do đó du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Một lưu ý nữa là nếu đăng kí khóa thực tập càng dài thì càng dễ bởi điều này mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn.

Tại Pháp, bạn có thể theo học các chương trình về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do đó yêu cầu biết tiếng Pháp trước khi du học không phải bắt buộc. Tuy vậy, nếu chịu khó đầu tư vốn tiếng Pháp “vừa đủ xài” bạn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ hay xin học bổng cũng như việc sinh sống, học tập sau này.

Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi, các cuộc thi thú vị ở các chi hội sinh viên Việt Nam ở các thành phố diễn ra quanh năm là một điểm nhấn đáng yêu của cộng đồng du học sinh nơi xứ người.

Sưu tầm : Internet

read more