Review Category : Cuộc sống

Thủ tục cấp mới hoặc đổi hộ chiếu

Việc đổi Hộ Chiếu (HC) không nhất thiết phải trở về Việt Nam mà có thể thực hiện tại ĐSQ Việt Nam tại Pháp.

Địa chỉ : Ambassade de la République Socialiste du Vietnam en France

62, rue Boileau, 75016 Paris

Hồ sơ đổi/cấp HC bao gồm :

-     Đơn xin cấp/đổi HC: đơn đề nghị cấp, đổi HC có thể lấy tại ĐSQ và điền ngay tại ĐSQ hoặc liên hệ Ban chấp hành UEVF tại Paris và các Chi hội của UEVF

-     Hộ chiếu cũ + photocopy những trang có thông tin (7 trang đầu + các trang có visa)

-     2 ảnh thẻ cỡ 4×6cm nền sáng

-     Titre de Séjour hoặc Récépissé của Titre de sejour + bản photocopy. Các giấy tờ này phải còn hạn (bằng chứng của việc các bạn được phép cư trú hợp pháp tại Pháp). ĐSQ sẽ gửi trả trở lại Titre cùng Hộ Chiếu mới được cấp.

-     Lệ phí làm hộ chiếu mới: 50€

Các thông tin khác

-     ĐSQ nhận hộ hồ sơ cấp đổi hộ chiếu từ 9h00-12h00 trong ngày.

-     Thời gian xét cấp đổi hộ chiếu: khoảng 1-2 tuần tính từ ngày nộp hồ sơ.

-     Bạn đến ĐSQ để trình diện và có thể đề nghị phía ĐSQ gửi hộ chiếu mới (cả hộ chiếu cũ) về cho bạn qua đường thư bảo đảm, tất nhiên bạn phải thanh toán phí cho ĐSQ (khoảng10€). Hoặc không, bạn có thể chuẩn bị trước bì thư có dán sẵn tem bảo đảm của các dịch vụ chuyển phát nhanh như Chronopost, USP…

-     Nếu bạn đã đăng ký vào “Bản Tự Khai” ở Pháp mỗi năm và là Hội viên của Chi hội thuộc UEVF thì bạn có thể yêu cầu Chủ tịch Chi hội đó cấp giấy “Ủy Quyền” cho bạn của bạn cũng là Hội viên đi làm hộ (nếu họ có dịp lên Paris và phải trình giấy tờ tùy thân) hoặc bạn có thể gửi hồ sơ qua đường Bưu điện (những trường hợp đến khi cần đổi hộ chiếu mới đăng ký “Bản Tự Khai” sẽ không được chấp nhận).

-     Chú ý : thủ tục khi bị mất hộ chiếu : Bạn phải báo ngay với cảnh sát nơi gần nhất để lấy tờ khai của Police vì tờ khai đó rất quan trọng, sau đó đến ĐSQ Việt Nam để khai xin làm hộ chiếu mới. ĐSQ sẽ fax những tờ khai của bạn về Việt Nam để xác minh tính đúng đắn. Sau khi các thông tin được xác minh là đúng, ĐSQ Việt Nam sẽ cấp cho bạn Passport mới. Một điều quan trọng nữa là bạn nên giữ lại được những bản Photocopie của hộ chiếu và titre de séjour cũ.

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Chi tiêu trung bình của sinh viên Việt Nam ở Pháp

Chi tiết về chi tiêu trung bình của sinh viên Việt Nam ở Pháp theo năm

Khoản mục  

Tháng đầu

Các tháng sau

Phí đăng kí học

Cử nhân

196 €

Cao học

245 €

Doctorat

363 €

Bảo hiểm y tế

200 €

Bảo hiểm bổ sung

200€ -600€

Nhà ở (tháng đầu tiên và đặt cọc)

300( KTX)
600 (thuê tư nhân)

300( KTX)
600 (thuê tư nhân)

Bảo hiểm nhà ở

50 €

50 €

ăn uống

100€ – 250€

100€ -200€

Thẻ đi lại ( Tram, buýt, Metro ) (năm)

200 – 350 €

0

Điện thoại

20 €

20 €

Phí nộp cho cơ quan quốc gia đón tiếp nhập cư

55 €

55 €

Chi phí học tập (sách vở…)

100 €

100 €

Các chi phí khác

90 €

90 €

 

Chi phí học và sinh hoạt cho một năm học

-          Ăn : 100 – 250 €/tháng( 1000 – 2500 €)

-          Ở:   150 – 300 €/tháng ( 1500 – 3000 €)

-          Bảo hiểm, chi phí sách vở, chi phí đi lại…: 400 – 500 €/năm

Tổng : 4000 – 6500 €/năm

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Việc làm thêm cho sinh viên tại Pháp

Ở Pháp đặc biệt là ở Paris, công việc làm thêm rất phổ biến trong giới sinh viên. Có rất nhiều các loại hình công việc mà phù hợp với hoàn cảnh, thời khóa biểu của mỗi bạn. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cách tìm kiếm.

Trang web « những người bạn – www.nhungnguoiban.org », do UEVF quản lý  mang đến cho bạn những thông tin việc làm thêm dành cho sinh viên Viêt Nam. Ngoài ra bạn có thể tìm trên internet với rất nhiều những trang thông tin việc làm như www.jobetudiant.net, www.studentjob.fr  … ( các bạn có thể tìm thấy nhiều trang khác với từ khóa Job Etudiant trên Google)

Dù là công việc làm thêm nhưng bạn cũng vẫn phải chú ý đến CV + lettre de motivation (thư xin việc), nên trình bày CV và thư rõ ràng rành mạch, ngắn gọn. Có một kinh nghiệm khi đi xin việc thấy rất rõ, họ để ư đến những người đã từng có kinh nghiệm đi làm dù là việc làm đó không giống với việc bạn đang xin làm, bởi họ đánh giá cao sự va chạm của bạn trong cuộc sống. Cho nên, ở Việt Nam ban đã từng làm công việc làm thêm nào thì đừng ngần ngại đưa vào hồ sơ xin việc ở Pháp.

Về mặt luật pháp, sinh viên nước ngoài tại Pháp, với thẻ cư trú « Sinh viên », được phép làm việc tại Pháp mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ làm việc trong năm không quá 964 h.

Theo như chúng tôi thống kê sau khi thông qua rất nhiều những sinh viên đi học và đi làm thêm ở Pháp thì có khoảng 6 loại công việc như sau :

1.      Trông trẻ

Công việc này bạn sẽ có thể dễ dàng tìm thấy trên các site internet với từ khóa (mot clé) « garde d’enfant » hoặc « baby sitter » đặc biệt là trên site www.bebenounou.fr . Nó bao gồm những hình thức trông trẻ như sau :

          “Baby sitter” : Với trẻ em dưới 2 tuổi, chưa xin được một chỗ trong nhà trẻ (crèche), bố mẹ bé sẽ cần bạn trông trẻ gần như là cả ngày (thường từ khoảng 9h sáng đến 7h tối), công việc này thích hợp với những bạn đang trong quá trình học tiếng có nhiều thời gian rỗi, vừa có thể trông trẻ vừa học.

          “Sortie d’écoles, le mercredi” (trông trẻ hàng ngày sau giờ học và cả ngày thứ tư): trường hợp này rất phổ biến, vì thích hợp giờ học của các bạn sinh viên, các bạn sẽ đến trường đón bé, thường là 16h30 (đối với trẻ đi mẫu giáo và cấp 1) đến 18h (đối với trẻ đi nhà trẻ), đưa chúng về nhà, tắm cho trẻ, cho ãn và chơi cùng chúng cho đến lúc bố mẹ trẻ về. Đối với những trẻ đã đi học thỉnh thoảng các bạn giúp chúng làm bài tập.

          « Jeune fille au pair » (ở cùng nhà với gia đình chủ nhà) : với công việc này, có thuận lợi là bạn có nhà ở luôn, được bao cả ãn và ngoài ra được trả thêm một khoản tiền để tiêu vặt. Nhưng điều bất tiện là bạn không có nhiều thời gian tự do dành cho bạn.

          “Occasionnel” (trông buổi tối) : thường thì bố mẹ bọn trẻ sẽ cần đến bạn vào buổi tối khi họ có hẹn ãn uống hoặc đi xem phim, ca nhạc (từ 20h-24h). Bạn thực chất chỉ đến để trông nhà cho họ vì bọn trẻ thường là đã hoặc chuẩn bị đi ngủ khi bạn đến. Lương bạn đươc trả cho việc này thường cao hơn so với những việc khác nhưng công việc này không thường xuyên.

          « Vacances » (kì nghỉ) : gia đình bọn trẻ cần bạn đi cùng đến các tỉnh khác nơi họ đến du lịch. Cũng có thể chỉ có bạn đi cùng bọn trẻ đến một vùng quê nơi ông bà chúng sống còn bố mẹ chúng sẽ ở lại thành phố làm việc và chỉ đến đó vào những ngày cuối tuần.

2.      Công việc nhà hàng

Bạn sẽ làm việc trong 1 nhà hàng (Việt Nam, nước ngoài) hoặc trong 1 cửa hàng ãn nhanh (Mc Donald, Quick, KFC). Đặc trưng của từng công việc là:

          Serveur (bồi bàn, tiếp viên): bạn cần nhanh nhẹn và có khă năng thu xếp vị trí ngồi cho khách thật tốt. Trong các cửa hàng ăn nhanh, công việc thường sẽ là bán đồ ăn tại quầy, chuẩn bị đồ ăn hoặc dọn dẹp.

          “Aide de cuisine” (phụ bếp),: công việc này khá nặng nhọc nên thường thích hợp với các bạn trai hơn.

Sinh viên làm công việc phụ bếp trong nhà hàng

Sinh viên làm công việc phụ bếp trong nhà hàng

          “Vendeur” ( bán hàng) : Bạn sẽ được học kĩ nãng sử dụng máy tính và khả nãng giao tiếp với khách hàng ở đó khi bắt đầu công việc.

          “Livreur” (đưa hàng) : công việc này dành cho các bạn trai, vì người làm công việc này sẽ phải sử dụng xe gắn máy (phân khối nhỏ) giao hàng tận nhà cho khách hàng (pizza, sushi).

Làm thêm trong cửa hàng Mc DO

Làm thêm trong cửa hàng Mc DO

3.      « Caissier(ère) » (tính tiền ở siêu thị)

Công việc này khá ổn định và không quá nặng nhọc, thường thì các bạn nữ được ưu tiên hơn khi người chủ tuyển nhân viên. Công việc này bạn nên đặt hồ sơ xung quanh các siêu thị nơi bạn sống sẽ được để được ưu tiên hơn so với những người ở xa.

4.      « Réception » (trông khách sạn)

Bạn sẽ nhận đặt phòng của khách, thu xếp phòng cho khách, đón tiếp khách thật chu đáo cho đến lúc họ rời khách sạn (có khi phải trực khách sạn buổi đêm). Công việc này vào kì nghỉ hè khi có nhiều khách du lịch, bạn rất dễ kiếm. Như vậy các bạn có thể làm việc cả ngày (temps complet 35h/semaine) → trong nămhọc không phải đi làm nữa.

5.      « Femme de ménage » (người dọn nhà)

Bạn sẽ làm việc 1 – 2 lần/tuần đối với nhà riêng và có thể hàng ngày đối với các khách sạn (tùy theo khả nãng của bạn), công việc này thường được trả lương cao hơn so với các công việc khác. Do ngay trong từ ngữ nói về việc này người Pháp họ đã dùng chữ « femme » chỉ người phụ nữ nên công việc này thường chỉ dành cho các bạn nữ.

6.       Công việc hè

Hái quả (bạn đến các vùng trồng nho làm rượu hoặc trồng những cây hoa quả làm mứt « confiture»), bán hàng… : với tất cả các công việc trong dịp này, bạn sẽ được làm trong thời gian tối đa quy định (35h/tuần) dành cho sinh viên.

viec-lam-them-hai-nho-sinh-vien-tai-phap-5

Việc làm thêm hái nho

Có một số công viêc khác : bán hàng cho các cửa hàng di động ở Disneyland, trực điện thoại, nhân viên trong các cửa hàng rửa ảnh, đi phát tờ rơi..

 

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Ứng xử trong văn hóa Pháp

Mỗi nước có một nền văn hóa riêng, phân biệt với các quốc gia khác. Mỗi khi tiếp xúc với một nền văn hóa nào đó, ta cần phải tìm hiểu chúng để ứng xử cho phù hợp và không bị lâm vào những tình huống “dở khóc dở cười” . 

Trong cuộc sống đời thường, người Pháp luôn được đánh giá là lịch sự, trang trọng, “chau chuốt” về cả văn hóa ăn mặc, trang trí và đi đứng, giao tiếp, từ trong sân vườn, cổng ngõ cho tới ngoài đường. Người Pháp luôn có sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng tự do cá nhân của người khác. Họ cũng luôn tôn trọng giờ giấc và những cuộc hẹn hay những buổi làm việc, hội họp. Điều này được xem như một trong những “nguyên tắc sống” của người Pháp. Đặc biệt, người Pháp luôn tự hào về những gì họ có, nhất là văn hóa hay những nghề thủ công mà tổ tiên họ truyền lại. Từ đó, họ luôn có ý thức lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa ấy.

1. Trong gia đình

van-hoa-phap-gia-dinh

Không gian gia đình được coi trọng tại Pháp

 Người Pháp thích sự yên bình trong tổ ấm của mình.  Để tôn trọng nhau, mọi người thay phiên nhau làm những công việc nhà như làm cơm, rửa bát, giặt đồ…

Phải tôn trọng giờ giấc các bữa ăn, bất kì sự thay đổi nào như về muộn hay mời thêm người bạn vào ăn cơm cũng cần được báo trước.  Ai cũng có quyền có không gian riêng. Các bậc cha mẹ cần có khoảng riêng mà con cái không được phép vào. Không xử lý những xung đột trước mặt con cái. Phải gõ cửa trước khi vào phòng. Bố mẹ cũng tôn trọng giờ giấc và không gian riêng của con cái.

Khi cha mẹ tiếp bạn bè hay đến nhà họ, không nhất thiết con cái phải đi theo nếu không cần thiết.

2. Với hàng xóm

Như đã nói ở trên, người Pháp coi trọng sự bình yên, vì vậy ứng xử với những người hàng xóm sao cho phù hợp là điều vô cùng quan trọng.  Sảnh lớn của khu chung cư là nơi người ta chào hỏi nhau, hỏi thăm công việc, gia đình, bàn về trận bóng sắp tới hay tư vấn xem nên mua đồ dùng gì cho gia đình…

Phải để ý không gian riêng của mình không được làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.  Hạn chế đi giầy gót nhọn vào những giờ nhạy cảm, mở cửa nhà ken két, hút thuốc trong thang máy hay vứt rác của nhà mình sang nhà người khác. Bởi vậy khi có mất kì sự tụ tập hay cuộc vui nào, bạn nên xin lỗi trước vì sự ồn ào từ bữa tiệc của bạn gây ra.  Mọi xung đột đa phần được giải quyết từ 2 phía, rất ít có sự can thiệp bởi bên thứ 3. Cũng như những nơi khác, ở thành thị Pháp, đô thị lớn thường thì mối quan hệ hàng xóm sẽ không được mật thiết như ở những thành phố nhỏ, hoặc nông thôn.

3. Tại nơi công cộng

Trong thang bộ, phụ nữ và người già luôn được đi bên có tay vịn. Đàn ông đi sau và xuống trước  để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Còn khi đi thang máy thì trẻ em, người già và phụ nữ và người khuyết tật đi trước. Kèm với đó người đứng gần cửa thang máy sẽ hỏi những người còn lại xem họ muốn đến tầng nào. Pháp cũng như các đất nước văn minh khác, các công trình hay phương tiện công cộng đều rất chú ý đến người khuyết tật.

Trên đường phố phải đi đều bước theo nhịp của dòng người qua lại. Khi đi trên vỉa hè, người ta sẽ vượt người đằng trước bằng cách nhẹ nhàng lách qua bên trái, đồng thời xoay ngang người để hạn chế tối đa không gian chiếm lĩnh. Người đàn đàn ông luôn là người đi gần nhất với lề đường để bảo về cho những người già, phụ nữ và trẻ em. Sự lôi thôi khi đi ra ngoài đường như mặc đồ ngủ hay đi dép trong nhà bị coi là hành vi đáng trách và thiếu tôn trọng mọi người.

Trong rạp chiếu phim hay rạp hát, sự đúng giờ là điều lưu ý trước tiên. Người Pháp không thích sự bàn tàn trong khi đang thưởng thức các ca khúc hay các vở kịch, bởi sẽ ảnh hưởng tới người khác. Người ta vỗ tay tán thưởng khi kết thúc phần biểu diễn. Và thường thì 2 nam giới sẽ ngồi ở 2 đầu của hàng ghế.

Xếp hàng, mọi lúc mọi nơi người Pháp đều rất tôn trọng trật tự khi xếp hàng. Khi mua vé, khi vào cửa , nhất là những khu có đông khách du lịch thì thời gian xếp hàng là khá dài, họ thường có biển thông báo thời gian còn lại mà chúng ta phải đợi. Thông thường có hai hình thức 1 là đứng xếp hàng hoặc là rút số thứ tự từ máy tự động.

4. Trong sinh hoạt hằng ngày

Bisous: Nụ hôn thân mật của người Pháp

Nụ hôn má chính là nét đặc trưng thú vị của người Pháp, họ thường ôm và hôn vào má nhau khi gặp và chia tay nhau, hay khi cảm ơn mỗi khi nhận được quà. Thường thì những người trong gia đình, bạn bè thân thiết sẽ “Bisous” còn những người chưa thân hoặc đồng nghiệp cơ quan, đối tác thì bắt tay lịch sự. Và ở mỗi thành phố, mỗi vùng thì số lượng nụ hôn và má cũng khác nhau, thường thì là 1 cái vào má phải, 1 vào má trái, tuy nhiên cũng có nơi họ hôn 3 cái, hoặc 4 cái. Nếu người Pháp chủ động hôn bạn thì đừng ngại nhé, điều đó thể hiện họ rất thiện cảm và muốn gần gũi hơn với bạn.

bisou-nu-hon-phap

Trên bàn ăn

mọi người ngồi ngay ngắn và những hành động như chống khủy tay hay đặt mạnh tay lên bàn là những hành động của kẻ thiếu văn hóa. Khăn ăn được trải dọc trên 2 đầu gối. Ăn uống từ tốn và sau vài ba miếng, người Pháp lại lấy khăn lau miệng bằng 2 tay.. Không nhai ngấu nghiến, ngậm miệng khi nhai, ăn theo tiến độ chung của bàn ăn. Người ta thường gợi chuyện bằng những câu chuyện thường ngày, không mang sắc thái riêng tư. Không xoay đĩa thức ăn về phía mình hay múc đến thìa cuối cùng. Đặc biệt không nên rời bàn ăn khi rượu của bạn còn trên nửa ly. Cuối bữa, nếu là bữa ăn gia đình thì người ăn gấp một góc khăn, nếu là khách mời họ sẽ tung khăn ra để ở bên phải đĩa ăn. Dao và dĩa để mũi nhọn quay xuống dưới, thể hiện rằng mình đã dùng xong. Người Pháp dành nhiều thời gian trò truyện trên bàn ăn. Đôi khi kéo dài đến 4 hay 5 tiếng.

Thường khi người Pháp mời bạn đến nhà ăn bạn có thể đến cùng với 1 chai rượu vang cùng hoa, hoặc 1 món quả nhỏ, và ngược lại khi người pháp mang rượu đến tặng bạn thường thì bạn sẽ sử dụng luôn chai rượu đó. Người Pháp sẽ đánh giá cao việc làm đó của bạn.

Khi hút thuốc

 

van-hoa-phap-hut_-thuoc

 

Hiện nay ở Pháp thì thuốc lá đã bị cấm ở trong các nhà hàng và quán cà fe. Khi hút người Pháp phải xem trước hết nơi đó có được hút thuốc hay không. Người ta tránh hút thuốc khi ăn uống trừ những bữa ăn thân mật và được sự cho phép của người thân. Họ không dùng xì gà hay tẩu thuốc ở những nơi công cộng vì mùi của nó khá nặng.

Trước khi hút, người ta đưa điếu thuốc ra lưng chừng điếu và mời những người xung quanh, châm lửa cho họ. Phụ nữ không châm thuốc cho đàn ông. Khi có người bị dị ứng ngồi cách xa người hút thuốc, họ sẽ lịch sự bỏ điếu thuốc đang hút để tránh gây hại cho những người xung quanh.

So với các nước trong khu vực Châu âu, Pháp cũng là một trong những nước tiêu thụ rất lớn thuốc lá, dù giá một bao thuốc đã lên rất cao tầm 6~7 Euro/bao

Trong trang phục

Ăn mặc phù hợp với lứa tuổi là điều quan trọng. Khi trẻ bạn có thể mặc bất cứ loại quần áo nào. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào tính chất của những sự kiện và người ta được mời. Thường thì càng trang trọng, người ta lại diện những bộ trang phục chính thống. Một số sự kiện đi kèm theo cả chỉ dẫn “ carvat đen, váy dài” để thể hiện sự trang trọng của buổi tiệc hay buổi lễ đó. Với nam giới thì đồ càng đậm càng thể hiện sự trang trọng. Với nữ giới, sự tinh tế thể hiện ở những phụ kiện đi kèm như vòng tay, khuyên tai hay túi xách.

Trong đám tang người ta tránh những bộ đồ nổi bật, còn trong đám cưới, người ta tránh mặc đồ đen vì là màu của đám tang, và màu trắng vì nó dành cho cô dâu. Khi đi xin việc hay thi tuyển thì những gam màu trung tính được hầu hết mọi người sử dụng. Mặc đồ sang trọng hơn người tuyển dụng hay trang điểm quá đậm là những lỗi sơ đẳng mà người Pháp luôn tránh.

Khi giao tiếp bằng điện thoại

Thường thì người ta không để chuông reo quá 8 lần, không gọi lại ngay khi vừa cúp máy. Tránh gọi trước 9h và sau 21h30. Trường hợp khẩn cấp người ta mới gọi đột xuất. Người Pháp luôn từ tốn, nhã nhặn ngay cả khi bị làm phiền, bởi khi nghe điện, tất cả con người ta được thể hiện qua lời nói. Người nào gọi trước nên dập máy trước, đó là thông lệ. Người Pháp có thói quen sử dụng hộp thư thoại, khi để lại tin nhắn thoại lưu ý nói ngắn gọn và lịch thiệp.

Nhận và tặng quà

 

van-hoa-phap-tang-qua

 

Nhận và tặng quà cũng có những nguyên tắc chung. Người ta thường tặng những món quà đáp ứng mong đợi của người nhận. Ở Pháp, quà tặng sẽ được mở ngay khi nhận từ người tặng. Mỉm cười, cảm ơn, hôn Bisou ngay cả khi bạn không thích món quà đó là phép lịch sự tối thiểu. Tuy vậy với những trường hợp thân thiết hay với người yêu, bạn có thể thể hiện sự chưa hài lòng một cách nhẹ nhàng để đối phương hiểu và không mắc phải những sai lầm tương tự.

Lời cảm ơn và xin lỗi

Người phương Đông thường ngại nói lời cảm ơn cũng như lỗi sai về mình. Người Pháp luôn nói lời cảm ơn một cách rõ ràng và chân thành. Nó đi liền với từ “không” khi từ chối để giảm đi sự hụt hẫng cho người kia. Người lớn luôn dạy con cái cách nói lời cảm ơn để chúng hiểu ý nghĩa và rèn thói quen dùng nó. Nhiều khi cảm ơn từ những việc rất nhỏ như về đã tiếp họ trong cuộc gọi điên thoại hay ai đó dành thời gian tiếp chuyện mình cũng là một cách để cuộc sống trở nên thân thiện và gần gũi hơn.

Còn lời xin lỗi thường được nói ngay sau khi sự việc xảy ra, để thể hiện họ thực sự tiếc về việc mình làm và mong muốn được tha thứ. Tuy nhiên với những lỗi lớn, họ dành thời gian suy nghĩ và thuyết phục phù hợp thay vì lao ngay vào biện minh.

Có nhiều cách ứng xử trên đây mà bạn thấy quen thuộc bởi nó là những cách ứng xử phổ biến, xuất phát từ chính con người . Nhưng cũng có một số, ta ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, mà ở đây đại diện là nước Pháp. Hãy học hỏi những nét văn hóa của họ và sự dụng sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam nhé!

Mạnh Linh ( Tổng hợp từ Internet)

read more

Nước Pháp, nơi cơ hội chia đều cho tất cả

Tại Pháp, khi bạn đi làm được, bạn đóng thuế, khi bạn mất việc, bạn sẽ được xã hội bù đắp lại trợ cấp thất nghiệp 70% lương của bạn trong 2-3 năm tùy đối tượng. Đó là lẽ công bằng

Tác giả trong một buổi topographies
Tác giả trong một buổi topographies. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhớ lại một ngày đẹp trời cũng đầu tháng 6 của 5 năm về trước, tôi bén duyên với nước Pháp khi vô tình đọc được thông báo tuyển sinh của một trường Kỹ sư Pháp dán trên bảng thông tin của trường mình, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.

Riêng với tôi, một học sinh học 12 năm chương trình tiếng Anh thì nó rất mơ hồ khi nghĩ về một Giấc Mơ Pháp. Ai cũng nghĩ du học châu Âu rất tốn kém nên không có nhiều học sinh hứng thú với thông báo ấy dù rằng tuyển sinh không yêu cầu biết tiếng Pháp vì chương trình đào tạo tiếng Anh trong 2 năm đầu song song với học tiếng Pháp với thầy cô bản xứ.

Khi quyết định đi, bạn bè đều cho rằng tôi khùng vì đã học chuyên ban D, ngoại ngữ là tiếng Anh, lại dám đi Pháp học ngành xây dựng bên ban A. Tuy nhiên, dù là học tiếng Anh, nhưng ngoài giờ học, cuộc sống quanh tôi mọi người nói tiếng Pháp. Vì thế, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ, khiến mình dễ rơi vào tự kỷ, cô lập bản thân với thế giới rồi dẫn đến chán học.

Nói chính xác hơn, du học, việc đầu tiên cần là học cách vượt qua bản thân mình, vượt qua những bức tường tâm lý ấy. Thật sự mà nói thì năm đầu tiên là khó nhất khi vừa phải tiếp thu kiến thức của hai năm đại cương cùng với việc học tiếng Pháp. Lúc ấy tôi chỉ ước có bánh mì chuyển ngữ của Doraemon để phá bỏ rào cản đáng ghét ấy!

Chút từng chút, như một đứa trẻ bập bẹ tập nói, được thầy cô, bạn bè người Pháp giúp đỡ, tiếng Pháp cũng tang dần lên. Người Pháp thật sự rất thân thiện, gần gủi và tốt bụng. Kết quả sau 5 năm, không phải mình tôi, mà còn nhiều bạn người Việt của tôi cũng đã chủ động tìm được việc và làm trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Điều tôi muốn nói ở đây, tôi, một người học 12 năm tiếng Anh, nước Pháp vẫn cho tôi cơ hội học tập, hòa nhập và tiến thân. Nước Pháp, cơ hội chia đều cho tất cả là như vậy! Bạn, tôi và tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, nếu thật sự bạn có quyết tâm, có chí cầu tiến lập thân, đóng góp cho xã hội, nước Pháp luôn chào đón.

Hầu hết đa số bạn trẻ Việt Nam đều theo xu hướng học tiếng Anh, Hoa, Hàn để có thể kiếm được một công việc tốt trong một công ty liên doanh quốc tế nào đó. Vì thế, tiếng Pháp dần chìm vào quên lãng. Riêng đối với tôi, có lẽ, tôi đã đi ngược dòng thế hệ mình… bỏ tiếng Anh qua học tiếng Pháp, nhưng cũng nhờ đó, tôi hiểu rằng nước Pháp chưa bao giờ lỗi thời.

Ở Pháp, trắng, đen, đỏ, vàng, không phân biệt màu da, sắc tộc,
Ở Pháp, trắng, đen, đỏ, vàng, không phân biệt màu da, sắc tộc, cơ hội được chia đều cho tất cả. Ảnh do tác giả cung cấp.

Pháp là quốc gia đa sắc tộc, nhiều màu da, nhưng họ chung sống trong hòa bình và quyền lợi được chia đều, thật là một giấc mơ đẹp mà tôi gọi nó là giấc mơ Pháp.

Để hệ thống an sinh xã hội và y tế của Pháp được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá là nước chăm sóc sức khỏe toàn diện tốt nhất thế giới, ta không thể bỏ qua sự hoạt động hiệu quả của quỹ trợ cấp xã hội chính phủ Pháp CAF.

Tre già măng mọc, vì thế nên phụ nữ, trẻ em, sinh viên học sinh là những người được xã hội lo chu đáo theo đúng tinh thần phát triền bền vững cho tương lai.

Trẻ con sanh ra người mẹ còn được nhận tiền thưởng, trang thiết bị y tế tối tân, bảo hiểm lo trọn gói, không tốn kém nhiều chi phí, mà trẻ còn được chính phủ chu cấp đến 18 tuổi.

Sinh viên quốc tế vẫn được hưởng trợ cấp như các bạn cùng trang lứa người Pháp. Một chính sách tôi nghĩ khó có thể kiếm được một quốc gia tư bản nào trên thế giới này.

Không những vậy, khi bạn đi làm được, bạn đóng thuế, khi bạn mất việc, bạn sẽ được xã hội bù đắp lại trợ cấp thất nghiệp 70% lương của bạn trong 2-3 năm tùy đối tượng. Đó là lẽ công bằng.

Lấy tiền người giàu từ thuế thu nhập cá nhân, chia cho người nghèo qua hình thức trợ cấp xã hội. Đôi lúc không cần phải lớn tiếng mạnh miệng mục đích to tát gì, mà chỉ cần tiến hành những chính sách thiết thực, thu hút chất xám, đem lại lợi ích cho mọi người. Bởi vì thật sự bạn sẽ khó phân biệt một người giàu hay nghèo qua cách ăn mặc khi ra ngoài đường trừ phi bạn xem bảng lương và bảng báo cáo thuế thu nhập cá nhân của họ.

Khen nhiều quá, tôi cũng sợ bị ném đá vì bị cho là xu nịnh. Nhưng cái gì tốt thì mình cũng cần phải khen ngợi chứ! Tôi viết với văn phong rất tự do như chính không gian nơi tôi đang sống, tự do tự tại, không theo một lề lối gò ép nào cả, để độc giả cùng hiểu hơn về nước Pháp.

Bài viết : Nguyễn Thái Hòa

read more

Tại sao nước Pháp là điểm đến thích hợp với người Việt Nam

Đất nước của kinh đô ánh sáng hiện nay có khoảng 7.500 du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc do chất lượng giáo dục cao, mở cửa với sinh viên quốc tế, nhiều cơ hội học bổng và làm việc sau tốt nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà số du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng mạnh như hiện nay. Mỗi năm Pháp tiếp nhận gần 1.500 sinh viên Việt Nam, số lượng này tăng liên tục và không dưới 150 hợp tác được ký kết giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam.

Chất lượng giáo dục Pháp được đánh giá cao trên thế giới với nhiều ngành mũi nhọn như kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, kinh tế, khoa học cơ bản…

Đặc biệt việc chi trả cho thời gian học tập ở Pháp khá đa dạng và không quá đắt đỏ so với một số quốc gia Âu – Mỹ khác. Mức học phí đại học tại Pháp rất rẻ, vào khoảng 174 euro một năm cho bậc đại học, 237 euro cho bậc thạc sĩ và 359 euro cho bậc tiến sĩ.

Mức học phí này áp dụng chung cho cả sinh viên Pháp và nước ngoài. Ngoài ra, những sinh viên được học bổng của Chính phủ Pháp còn được miễn học phí.

Các học bổng khá dồi dào như: học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp, học bổng tài năng Eiffel trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm, học bổng tiến sĩ Erasmus-Dem, học bổng Bộ giáo dục – Đào tạo Việt Nam…

Lâm Thanh Phong, du học ngành cầu đường tại Đại học Ecole Nationale des Ponts et Chausesees (ENPC), vốn được đánh giá là trường đào tạo kỹ sư cầu đường tốt nhất Pháp, cho biết: “Nếu quan tâm và đầu tư ngay từ đầu thì việc xin được học bổng du học Pháp là nằm trong tầm tay”.

Điểm cộng khác là mạng lưới sinh viên ở Pháp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú gắn kết các thế hệ du học sinh và hỗ trợ tân sinh viên làm quen cuộc sống mới.

Lời khuyên từ rất nhiều cựu sinh viên là dù đến Pháp theo diện du học tự túc hay học bổng thì việc xúc tiến tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. “An cư” mới “lạc nghiệp”, ngay khi có giấy báo nhập học của trường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên để làm thủ tục.

Ngoài ra, cộng đồng sinh viên Việt Nam thường trao đổi thông tin về nhà ở để giúp đỡ nhau, đặc biệt vào cuối năm học, khoảng tháng 5 thì dễ dàng tìm nhà trọ do các bạn sinh viên Việt Nam học xong chuyển thành phố hoặc vê nước. Việc thuê nhà trọ, bạn cần kĩ lưỡng và có hợp đồng chi tiết để tránh gặp rắc rối về sau.

Ở Pháp, với thẻ sinh viên, có thể làm việc mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ lao động không quá 964 giờ trong một năm. Các công việc phổ biến bao gồm trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà…

Thu nhập từ công việc làm thêm sẽ giúp trang trải đáng kể chi phí sinh hoạt, giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, thuận lợi để tìm kiếm công việc sau tốt nghiệp bởi yếu tố độc lập, trưởng thành ở phương Tây luôn được đánh giá cao.

Yếu tố bảo hiểm cần được lưu tâm. ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, du học sinh nên mua thêm bảo hiểm bổ sung, chỉ cần chi thêm một khoản nhỏ nhưng được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Kỳ thực tập bắt buộc có thể bắt đầu ngay từ năm 1, thường kéo dài 1 đến 3 tháng, và kỳ thực tập năm cuối dài hơn, thường 4 – 9 tháng. Do đó du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Một lưu ý nữa là nếu đăng kí khóa thực tập càng dài thì càng dễ bởi điều này mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn.

Tại Pháp, bạn có thể theo học các chương trình về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do đó yêu cầu biết tiếng Pháp trước khi du học không phải bắt buộc. Tuy vậy, nếu chịu khó đầu tư vốn tiếng Pháp “vừa đủ xài” bạn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ hay xin học bổng cũng như việc sinh sống, học tập sau này.

Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi, các cuộc thi thú vị ở các chi hội sinh viên Việt Nam ở các thành phố diễn ra quanh năm là một điểm nhấn đáng yêu của cộng đồng du học sinh nơi xứ người.

Sưu tầm : Internet

read more