Review Category : Du học Pháp

Những kỹ năng sẽ giúp bạn “sống sót” khi đi du học

Đi du học, ngoài việc trang bị kĩ lưỡng về tài chính và tinh thần tự lập, bạn còn phải có một số kỹ năng sống quan trọng nữa.

Kỹ năng chọn bạn

Ở môi trường nước ngoài, việc có một người bạn đã khó, nhưng chọn đúng bạn lại là việc khó hơn. Có những người bạn chơi rất hợp nhưng khi học chung lại không hề có cùng quan điểm hay thái độ cộng tác. Chính vì thế, không tính những lần học nhóm hay thuyết trình đầu tiên (mang tính “xé nháp”), bạn nên chịu khó quan sát và chọn ra cho mình một người bạn tiềm năng để rủ họ cùng làm việc.

Đối với những người bạn không nghiêm túc khi học nhóm chung (trễ hạn nộp, không chịu làm bài…) bạn nên cứng rắn thẳng thắn nói chuyện với họ hoặc nhờ đến trợ giúp của giảng viên.

Cuối cùng, có một sự thật cần lưu ý là ở nơi nào có nhiều sinh viên quốc tế thì nơi đó dễ kết bạn và không khí học tập cũng cởi mở hơn nhiều những nơi có toàn sinh viên bản địa. Tóm lại, để có được cảm tình của tất cả, ngay từ đầu bạn hãy thân thiện mỉm cười hay chào hỏi tất cả mọi người xung quanh.

Kỹ năng nói không

Sinh viên nước ngoài, đặc biệt những bạn bè đến từ các nước châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Địa Trung Hải thường rất “chịu chơi”. Họ có lẽ là những sinh viên quốc tế ham tiệc tùng nhất mà bạn sẽ gặp. Chính vì thế, khi kết bạn với họ, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm thế nói “Không” trước một số cuộc vui quá đà, đặc biệt là khi những party này ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc làm thêm hay quan trọng nhất là việc học của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng phải biết mình biết ta trong khâu mua sắm, đặc biệt là với các du học sinh nữ. Nếu tháng này bạn đã cạn tiền ăn và ở nhà cũng không còn lương thực khô trữ sẵn, hãy thẳng thừng nói không với cái váy lung linh ở bên trong cửa kính! Liệu pháp tinh thần tốt nhất của khoảnh khắc đó là bạn nên biết chiếc váy sẽ được bán với giá rẻ hơn 50% trong mùa sales tới, và nếu mua nó lúc này bạn sẽ trở thành một kẻ “đã vô sản rồi còn bị mua hàng… hố”. ;-)

Kỹ năng lập trình công việc nhà

Đi du học, bạn sẽ phải đạo diễn từ A đến Z công việc nhà. Điều này là cực hình không chỉ của du học sinh Việt mà còn với sinh viên quốc tế. Nhưng yên tâm là một khi có đầu óc tổ chức một chút, bạn sẽ thấy những việc này cũng không tốn thời gian lắm đâu.

Chẳng hạn, nếu nhà bạn không có máy giặt và thường phải dành hẳn một buổi sáng chủ nhật để đi giặt sấy ở phòng giặt công cộng trong thành phố. Hãy xách cả vali đồ bẩn vào khu kí túc xá ngay trong khuôn viên trường Đại học vào chiều thứ tư, ngày bạn thường đi thư viện học bài. Như vậy, áo quần của bạn vẫn được giặt giũ trong khi bạn ngồi thư viện và sáng chủ nhật của bạn vẫn được trả lại cho “khổ chủ”.

Nếu sống chung với bạn bè quốc tế, bạn nên thống nhất việc dọn dẹp nhà chung vào cuối tuần. Cứ đến giờ đó thì làm theo đúng nguyên tắc. Về chuyện bếp núc, bạn có thể nấu vào buổi tối hôm trước để chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa hôm sau, hoặc cũng có thể cắm cơm từ sáng trong lúc tắm để tối về nhà khỏi phải tốn thời gian cho việc này.

Từ khóa của kỹ năng này căn bản là n trong 1, hô biến bạn thành một người linh động.

Kỹ năng thức khuya dậy sớm

Nhiều du học sinh không thể thu xếp thời gian tự học vào ban ngày (vì lí do bận học ở trường hoặc đi làm thêm) nên nhiều bạn đã chọn thức khuya làm bài. Đặc biệt là vào kì thi, tần số thức khuya càng diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ôn bài, bạn không nên ngồi gần cái máy tính (có kết nối Internet) và cũng đừng nên ngồi quá gần chiếc giường êm ái! Cách duy nhất để giải quyết tình trạng thức khuya học bài là phải thiết kế lại thời gian biểu giữa việc làm thêm và học tập.

Còn một khó khăn nữa là việc phải dậy sớm đi học vào buổi sáng. Du học sinh không phải ai cũng có cơ hội ở ngay trong khu kí túc xá Đại học, chính vì thế nhiều người phải trải qua một quãng đường dài hàng tiếng đồng hồ bằng phương tiện công cộng để đến trường. Vào mùa Đông, việc đấu tranh nội tâm giữa việc “đi học hay ngủ tiếp” vì thế cũng xảy ra thường xuyên hơn. Vào những lúc đó hãy nghĩ rằng buổi học hôm nay cũng quan trọng như khi có bài kiểm tra, hoặc “chỉ cần bước ra ngoài trời tuyết mình sẽ hết buồn ngủ ngay”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, bạn nên lưu ý việc chọn thuê nhà ngay từ đầu sao cho thuận tiện cả việc đi học lẫn làm thêm.

Chúc các bạn một mùa Đông du học không-vắng-buổi-học-nào nhé!

Trang ami

read more

Làm thế nào để hạ knock-out nỗi nhớ nhà?

Đi du học, thời gian đầu lúc vừa sang tới nơi, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Trong đó, “ghê gớm” nhất là nỗi nhớ nhà và người thân đến nỗi bạn chỉ muốn vứt bỏ tất cả để quay về. Vậy phải làm thế nào để đối mặt với nỗi nhớ khủng khiếp đó?

Mang người thân theo cùng!

Tất nhiên là bạn không thể mang tất cả những người thân của mình theo hành trình du học theo đúng nghĩa đen rồi. Nhưng, bạn hoàn toàn có thể tạo cho mình cảm giác thân quen bằng những món đồ kỉ niệm quen thuộc. Hãy dán những tấm ảnh sticker ngộ nghĩnh vào cuốn sổ tay, để khung ảnh gia đình ngay đầu giường.

Những kỉ vật này tuy nhỏ nhưng có sức mạnh vỗ về lớn lắm đấy. Mỗi lúc “chùng chân mỏi gối”, hãy nhìn vào tấm ảnh gia đình để tiếp thêm động lực “chiến đấu” cho bản thân.

Liên tục cập nhật về cuộc sống mới

Mọi người ở nhà hẳn rất quan tâm đến cuộc sống mới của bạn. Vì thế, hãy chăm chỉ chia sẻ, cập nhật thông tin, hình ảnh về những điều mới mẻ trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi dòng tin ngộ nghĩnh sẽ giúp bạn nối liền khoảng cách với người thân bằng từng lời nhận xét, cái nhấn “like” trên Facebook. Cách làm này sẽ  khiến bạn thêm yêu quý cuộc sống của mình, tiếp thêm động lực bước đi trên chặng đường sắp tới.

Hãy bắt đầu mở một album ảnh về đời sống du học ngay trên Facebook. Sau này khi nhìn lại những tấm ảnh này, bạn sẽ thấy được mình đã trưởng thành hơn thế nào.

Rời khỏi nhà và kết bạn

Hãy tìm đến những người bạn quốc tế vốn rất cởi mở và thân thiện. Nếu là một người bạn đồng cảnh ngộ, họ chắc chắn cũng đang cần một người bạn mới để chia sẻ. Nếu đó là một người bạn đã có kinh nghiệm sống xa nhà, họ sẽ giúp bạn hòa nhập với cuộc sống bản địa bằng những thông tin hữu ích: địa chỉ ăn uống giá rẻ cho sinh viên, quảng trường nơi các hoạt động chính vẫn thường diễn ra hay một Câu lạc bộ thú vị nào đó.

Hãy tham gia vào hội “đồng hương” trên các trang mạng Xã hội cùng những du học sinh khác ngay từ trước khi sang. Quan trọng là, đừng bỏ qua những chương trình chào đón sinh viên quốc tế (ngày lễ cửa mở, ngày lễ đón tân sinh viên, ngày di sản châu Âu…) của nhà trường, hội sinh viên và thành phố du học.

Xuống đường khám phá

Đã đến lúc bắt tay vào kế hoạch trở thành thổ địa của thành phố du học. Hãy bắt đầu bằng việc ghé thăm văn phòng du lịch của thành phố và hỏi xin thông tin, bản đồ về những điểm đến nổi tiếng. Sau đó, vào mỗi cuối tuần, bạn có thể dành ra một ngày để khám phá về những khu phố cụ thể.

Tuy nhiên, khám phá một nơi chốn không phải chỉ là đặt chân đến con đường đó, chụp ảnh lưu niệm rồi thôi. Bạn nên đọc thêm sách tham khảo về văn hóa, lịch sử, kể cả các sách du lịch để có thêm nội dung thú vị. Một cách vô cùng hữu hiệu nữa là chủ động bắt chuyện và bước vào các cửa hàng để quan sát, hỏi thăm người dân địa phương. Trong phim ảnh, chẳng phải Julia Roberts đã khởi đầu cuộc khám phá Notting hill không-hồi-kết của mình sau một lần chứng kiến anh chủ hiệu sách đẹp trai William Thacker xử lí một tên trộm sách đó thôi.

 

Và cuộc khám phá của bạn chỉ mới vừa bắt đầu…

Trang ami

read more

Những chủ đề nhạy cảm không nên đề cập với bạn bè quốc tế

Điều tuyệt vời nhất khi đi du học là bạn sẽ được làm quen kết bạn với nhiều người bạn nước ngoài, hứa hẹn nhiều khám phá văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để duy trì được một mối quan hệ tốt, bạn cần lưu ý tránh đề cập những chủ đề dưới đây vào lần gặp đầu tiên.

 

Tôn giáo và chính trị

Đây có thể được xem là hai đề tài được liệt vào hàng cấm kị khi chuyện trò với người lạ. Cái tôi chính trị và tôn giáo của mỗi người vô cùng khác biệt và niềm tin của họ vào cái tôi của chính mình có thể nói là vô cùng vững bền. Ở nước ngoài, ngay cả cha mẹ và con cái vẫn có những khác biệt về quan điểm chính trị. Mỗi người đều có tự do trao gửi niềm tin cho bất kì tôn giáo, đảng phái nào. Nếu muốn tranh cãi vấn đề Tây Tạng hay biển đảo với các bạn Trung Quốc, tốt nhất là hãy chờ đến giờ Khoa học chính trị hay Quan hệ quốc tế với sự có mặt của “trọng tài” thầy/cô giáo.

 

Tiền bạc

Có một cái tật của người Việt mình là hay hỏi thăm nhau về lương bổng, dù ai cũng hiểu rằng đó là vấn đề hoàn toàn cá nhân. Nếu gặp người dễ tính, họ có thể sẽ nghĩ rằng bạn quan tâm đến họ và sẽ cho bạn câu trả lời, nhưng gặp người đa nghi thì sẽ không loại trừ khả năng họ nghĩ bạn là kẻ tò mò tọc mạch. Khi đối phương cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bạn về chuyện học bổng, lương bổng, thì họ sẽ tự nói ra với bạn trước.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là giá trị các món đồ của người đó, nhưng tránh phán xét. Bạn có thể hỏi những câu chung chung, chẳng hạn: “Một chiếc Ipad Mini mới nhất là bao nhiêu nhỉ”, chứ đừng nên nhìn chằm chằm vào Ipad của họ rồi nhận xét: “Bạn hẳn có rất nhiều tiền nên mới sắm được cái này”.

 

Các câu hỏi về số đo, tuổi tác

Người phương Tây rất ít khi hỏi tuổi của nhau và điều này có thể xem là thiếu lịch sự đối với một cuộc họp đầu tiên (đặc biệt là với phụ nữ). Lí do đơn giản vì họ không thích tạo cơ hội cho bạn đưa ra những đánh giá, phán xét về diện mạo so với tuổi tác. Còn lí do sâu xa là vì những khác biệt về tuổi tác không thực sự ảnh hưởng đến việc giao tiếp (không lằng nhằng như tiếng Việt mình mà chỉ có You và I) nên họ chẳng cần phải quan tâm đến vấn đề này. Đối với người Tây phương, con người ở độ tuổi nào cũng xứng đáng được tôn trọng như những người trưởng thành với nhau – kể cả đó là với một cậu bé mới vừa lên 5. Để biết được tuổi thật của họ, cách hay nhất là đừng đề cập gì đến điều này trong lần đầu gặp gỡ. Chờ đến khi mối quan hệ đủ độ thân thiết và bạn đã trở thành bạn của nhau trên Facebook, khi đó bạn sẽ biết họ bao nhiêu tuổi mà không cần mở miệng ra hỏi :).

Còn cân nặng, chiều cao và nhất là số do 3 vòng của phụ nữ chắc chắn cũng là những điều chẳng người nước ngoài nào muốn chia sẻ với một người lạ mới gặp. Nếu gặp một người khổng lồ trên 2 mét, những người thấp bé nhẹ cân hay mập quá khổ thì câu hỏi của bạn sẽ khiến họ thêm tự ti về ngoại hình.

Trang Ami 

read more

Mẹo vặt bếp núc cho những “túi tiền khiêm tốn”

Biết nấu ăn thôi chưa đủ. Bạn còn phải biết nấu ăn thông minh để tiết kiệm được thời gian, công sức và nhất là túi tiền của một du học sinh.

Không cần chi tiền mua sách nấu ăn, bởi xung quanh bạn đã là một kho kiến thức ẩm thực khổng lồ. Từ Internet đến tạp chí báo đài luôn ra rả những công thức nấu ăn cho bạn. Chưa kể, những phụ nữ trong nhà (bà, mẹ, chị) cũng là nguồn tin vô hạn để bạn khai thác. Họ thấm chí còn thích mê khi được hỏi đến lĩnh vực này (trừ khi đó cũng là một người mới chập chững học nấu ăn giống bạn). Raluca, cô bạn người Rumani của tôi còn có hẳn một cuốn sổ tay để ghi chép lại những công thức nấu ăn riêng hay Charlotte người Pháp đã nhất định phải hỏi cách làm món Phở của bạn tôi, bởi vì “Những công thức truyền miệng mới là những công thức truyền thống nhất”, theo lời cô bạn.

“Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Với công thức sẵn trong sách – bạn chỉ việc làm theo từng bước một, nhưng nếu đó là bí quyết nấu ăn được truyền tụng dưới hình thức truyền miệng, bạn phải chắc chắn ghi lại đúng các bước trước sau để thực hiện cho hiệu quả. Chẳng hạn món canh trứng cà chua, bạn sẽ không đập trứng vào nồi trước khi đổ nước chẳng hạn.

Đừng quá cân đo đong đếm hay nói cách khác là đặt gia vị lên bàn cân (trừ trường hợp làm bánh). Nếu là thực hiện một món ăn cho chính bạn, hãy linh động trong khâu nêm nếm vì chỉ có bạn mới thực sự hiểu khẩu vị của mình. Tuy nhiên, nếu là nấu ăn cho nhiều người, bạn sẽ phải thống nhất về vấn đề mùi vị bởi người miền Nam thường rất “hào phóng” với đường khi nấu ăn còn người Bắc thì ngược lại.

Đi du học, bạn sẽ phải đối mặt với việc chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi vào buổi trưa để nấu ăn (đối với những bạn nhà ở trong khu học xá, có điều kiện nấu ăn ở nhà), thông thường từ 1-2 tiếng. Chính vì thế, bạn phải sử dụng thời gian một cách thông minh. Chẳng hạn trong lúc chờ luộc mì ống, bạn sẽ dùng thời gian đó để băm thịt, cà chua.

Giữ cho chậu rửa chén bát đầy nước xà phòng. Như vậy, bạn chỉ cần rửa chén bát một lần qua nước xà phòng rồi sau đó tráng lại bằng nước sạch mà không phải mở vòi nước nhiều lần cho mỗi món đồ.

Giảm “phá hoại” hết mức có thể! Nếu vội quá, bạn có thể để chén bát bẩn lại để khi có thời gian xử lí, chứ không nên cuống cuồng rửa vì như thế không đảm bảo về độ sạch cũng như khả năng làm đổ, bể đồ rất cao.

Cuối cùng, nấu một lần cho hai bữa cũng là thói quen được nhiều bạn bè quốc tế của tôi chia sẻ. Khi nấu món gà cà-ri khoai tây, tôi thường nấu một chảo đủ lớn cho hai bữa ăn, một bữa ăn tại chỗ và phần còn lại dùng để đóng hộp để dành. Cách làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian nấu nướng và nhất là các phụ liệu thêm vào như dầu ăn hay nước rửa chén. Nếu không muốn cả trưa lẫn tối phải ăn cùng một món, bạn có thể để dành món đó cho buổi tối hôm sau (miễn là đừng quên bỏ chúng vào tủ lạnh).

TRANG AMI 

read more

Gặp nữ sinh đoạt giải Sinh viên xuất sắc của Hội SVVN tại Pháp

(Dân trí) – Cùng lắng nghe chia sẻ của Nghiêm Hà Giang, cô nữ sinh đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, người đoạt giải sinh viên xuất sắc của UEVF năm 2012.

Chào bạn, chúc mừng bạn về những thành tích xuất sắc trong học tập và được giải thưởng Sinh viên xuất sắc. Bạn có thể chia sẻ với độc giả đôi chút về bản thân?

Mình là Nghiêm Hà Giang, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, nước Pháp.

 

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Con đường bạn đến với nước Pháp như thế nào?

Theo học chương trình song ngữ Pháp – Việt từ năm lớp 1 đến hết lớp 12, văn hóa Pháp, tiếng Pháp đã gắn liền với tuổi thơ, theo suốt tuổi học trò của mình. Với quá trình tiếp xúc lâu như thế thì lựa chọn đến với nước Pháp để tiếp tục học Đại học, đối với mình, như là một điều hiển nhiên vậy.

Không ít bạn trẻ Việt Nam đã gặp phải những “cú sốc” khi chuyển tới học tập và sinh sống ở một đất nước xa lạ. Với bản thân bạn, khó khăn của bạn là gì khi bắt đầu hành trình du học?

Khó khăn thì ắt là ai cũng sẽ gặp phải rồi. Một cuộc sống hoàn toàn khác so với trước, xa gia đình, đối với đa số mọi người đều không đơn giản. Với mình cũng vậy. Nhưng có lẽ may mắn hơn nhiều người là mình có được sự tiếp xúc toàn diện với văn hóa Pháp từ sớm, nên không vấp phải “sốc văn hóa”.

Nhưng những “cú sốc” khác thì mình không tránh khỏi. Du học là lần đầu tiên mình xa bố mẹ đến như thế. Xa về cả không gian lẫn thời gian. Thời gian đầu, cảm giác nhớ nhà luôn thường trực: mỗi buổi sáng ngủ dậy, mỗi bữa cơm, mỗi khi gió lạnh không có người nhắc mình phải mặc ấm… Nhưng ưu điểm của con người là sự thích nghi mà đúng không? Sau 1 thời gian thì mình đã lấy lại cân bằng để thích nghi với môi trường mới, bạn bè mới và tập trung vào học hành.

 

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Hãy chia sẻ kinh nghiệm để có thể đạt kết quả học tập tốt như bạn?

Mình cũng không có kinh nghiệm gì đặc biệt đâu. Mình thấy để có kết quả cao thì sự chăm chỉ là quan trọng nhất. Thiên tài cũng có đến 99% là nhờ vào sự chăm chỉ nên mình dù không có được 1% thiên bẩm vẫn có thể lấy sự chăm chỉ để bù vào. Ngoài ra thì nếu có thể sắp xếp khoa học thời gian học các môn cũng giúp rất nhiều cho việc nhớ lâu, đặc biệt quan trọng đối với những người học bên khoa học với rất nhiều công thức cần ghi nhớ như mình. Trước mỗi kì thi, mình luôn thả lỏng đầu óc, đi dạo hoặc chơi trò chơi ưa thích, nó giúp mình bớt căng thẳng và thấy tự tin hơn.

 

Bạn nhận thấy môi trường học tập ở Pháp thế nào? Có điểm gì tích cực hoặc khác biệt so với môi trường học ở trong nước?

 

Đối với mình thì môi trường học tập ở Pháp rất tốt. Như ngành mình đang theo học, mỗi học kì mình học 6 môn học chính. Thời gian của mỗi môn được chia đều để học lí thuyết, làm bài tập và thực hành. Kỹ năng làm việc nhóm và tự học của học sinh cũng được đề cao với các đề tài xuyên suốt cả học kì. Các thầy cô giáo thì rất nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn và giải đáp mỗi khi sinh viên có câu hỏi.

 

Mình đi du học từ sớm, không có cơ hội trải nghiệm cuộc sống giảng đường ở Việt Nam nên không có gì để so sánh, đó cũng là thiệt thòi của mình so với bạn bè đồng trang lứa.

 

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Một ngày của bạn như thế nào? Bạn thường làm gì trong lúc rảnh rỗi?

Một ngày bình thường của mình đơn giản đến đơn điệu (cười). Lịch học của mình khá kín. Mình sẽ ở trường từ 8h-18h những ngày học, buổi tối về cũng không có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Còn nếu là ngày nghỉ, có thời gian một chút thì mình thích vào bếp, nấu các món ăn Việt Nam hoặc làm một cái bánh thật bự mời bạn bè.

Dự định của bạn sau khi kết thúc khóa học? bạn có trở về nước để lập nghiệp? Bạn có thể chia sẻ với bạn đọc ước muốn và kế hoạch của mình trong tương lai?

Sau khi kết thúc khóa học về Viễn thông, mình muốn học thêm một chút về quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp trước khi chính thức tìm việc làm. Sau đó, mình muốn tìm một công việc ngắn hạn tại Pháp hoặc một nước khác để có thể tìm hiểu về môi trường làm việc quốc tế cũng như hiểu biết về các công nghệ viễn thông của các nước phát triển. Tương lai xa thì chắc chắn mình sẽ trở về Việt Nam, viễn thông ở Việt Nam vẫn đang là một lĩnh vực nhiều tiềm nãng có thể khai thác được.

Lời khuyên của bạn dành cho các bạn trẻ đang có ý định du học Pháp?

Mình muốn nhắn nhủ (chứ cũng không dám khuyên đâu nhé) tới các bạn đang có ý định du học Pháp đó là cần tìm hiểu thật kĩ về ngành, về trường thậm chí là cả thành phố mà bạn muốn theo học. Hiện nay thì mọi thông tin đều có thể tìm thấy đơn giản thông qua các trang xã hội, trang web, báo chí… là một thuận lợi lớn cho các bạn khi tìm kiếm thông tin. Ngoài hành trang kiến thức thì sự tự tin cũng sẽ là một bí quyết cho sự thành công trên con đường du học xứ người đấy!

Cảm ơn bạn về cuộc phỏng vấn và chúc bạn sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

 

Bài: Nguyễn Mạnh Linh

Ảnh: NVCC

read more

Cách đón tết xa nhà của sinh viên Việt Nam tại Pháp

Tết Việt Nam đối với những người con xa quê luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, dù về Việt Nam hay ở lại nơi đất khách, ai cũng háo hức chờ đón Tết, ai cũng háo hức chuẩn bị cái Tết của riêng mình theo một cách rất riêng. Dù giàu hay nghèo sinh viên hay đã đi làm, độc thân hay đã có gia đình, chúng tôi những người con xa quê trên mọi nẻo đều hướng về gia đình đều hướng về quê hương.

Hơn 3 năm xa nhà, cái Tết thứ 4 buồn mà không vô ích của tôi lại sắp đến. Buồn vì Tết tôi với các bạn vẫn hối hả với công việc học hành, việc chính, việc phụ, buồn vì không thực sự có thời gian trống để nghĩ về gia đình một cách trọn vẹn, buồn vì chúng tôi ở quá xa, chẳng có gì bù đắp được khoảng cách quá lớn với gia đình mà sinh viên xa nhà ai cũng thổn thức. Sinh viên mỗi người đón Tết một kiểu, người thì tụ tập bạn bè, ăn uống cho đỡ cô đơn, người thì bận bịu công việc chẳng có thời gian đón Tết, hơn ba năm tôi công tác hội sinh viên cùng anh chị em đón Tết chung nên cảm thấy buồn nhưng không hề vô ích. Chắc hẳn nhiều bạn sinh viên, học sinh chuẩn bị du học, sẽ tò mò không biết cái tết phương xa nó ra sao, sẽ đón tết 1 mình hay như thế nào. Chính tôi trước khi sang Pháp cũng tò mò chuyện đó. Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Pháp tôi đã có anh chị em sinh viên giúp đỡ đón ở sân bay, bến tàu, cũng vì thế mà thực sự tôi vượt qua được giai đoạn đầu vô cùng khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất một cách dễ dàng. Cũng vì thế tôi đã quyết định tham gia hội sinh viên, và ngay từ đầu tôi đã tự nhận cho mình trách nghiệm phát triển hội sinh viên để có thể hỗ trợ được nhiều hơn, để có thể nhân rộng sức mạnh của cộng đồng sinh viên Việt trên đất khách.

 

Cả 3 cái Tết tôi đều tham gia tổ chức chương trình tết cho anh chị em sinh viên và cả việt kiều cũng như bạn bè quốc tế nữa. Chúng tôi tổ chức bữa tiệc lớn cho vài trăm người, và cả một chương trình văn nghệ đặc sắc quảng bá văn hoá Việt Nam cho bạn bè nước ngoài. Vui nhất là quá trình chuẩn bị, để có được 1h30 trên sân khấu, các bạn sinh viên đã tập luyện không ngừng nghỉ trong vòng 1 đến 2 tháng. Rất vất vả vì thời gian Tết Nguyên Đán trùng vào đợt thi nên ai cũng bận. Rồi để có bữa tiệc truyền thống thịnh soạn cho mấy trăm con người, anh chị em sinh viên phải chuẩn bị trước cả tuần thức thâu đêm luộc bánh chưng, chế biến đồ ăn vì đồ ăn Việt bao giờ làm cũng rất công phu.

Các bạn sinh viên cùng gói bánh trưng đón tết

Các bạn sinh viên cùng gói bánh trưng đón tết

 

Nhưng bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến khi nhìn thấy tà áo dài Việt Nam, thấy những điệu múa dân tộc, được trình diễn trên những sân khấu hoành tráng của đất nước bạn. Tự hào bao nhiêu khi ăn những món ăn quê hương do chính tay anh chị em sinh viên chuẩn bị. Mệt nhưng vui và hãnh diện lắm khi văn hoá của mình được các bạn bè quốc tế đón nhật một cách rất trân trọng và nhưỡng mộ, qua 3 năm tôi thấy rõ một điều rằng người Pháp biết đến chúng tôi nhiều hơn, muốn được tham gia đón Tết cùng chúng tôi. Chẳng thế mà Tết năm nào họ cũng mong đến ngày tết Việt để được đi dự chương trình đặc biệt.

Tác giả bài viết giao lưu cùng thị trưởng thành phố trực thuộc trong chương trình Tết

Tác giả bài viết giao lưu cùng thị trưởng thành phố trực thuộc trong chương trình Tết

Một trong số những tiết mục văn nghệ sinh viên tại Bordeaux biểu diễn trong chương trình Tết

Một trong số những tiết mục văn nghệ sinh viên tại Bordeaux biểu diễn trong chương trình Tết

van-nghe-sv-phap

Một tiết mục văn nghệ hoành tráng do các bạn sinh viên thực hiện

do-an-tet

Những món ăn trong chương trình Tết

Đấy là Tết chung, ngoài ra anh chị em sinh viên cũng tổ chức tết riêng ở nhà nữa, thường thì cũng kéo dài 3-5 ngày, mỗi ngày ăn ở nhà một người, ban ngày vẫn đi làm nhưng tối về thì tụ tập ăn uống, nấu những món ăn Tết. Nói chung là cũng xôm.

Quay lại với cá nhân tôi Tết nào cũng là dịp bận bịu nhất đúng là cả tết có lẽ tôi gọi điện về nhà chúc Tết được một lượt mỗi người nói chuyện chưa đầy một phút. Rồi lại quay lại với công việc nên không có thời gian để nhớ nhà, nhưng đúng là trong đầu lúc nào cũng vương vấn chút gì đó băn khoăn về gia đình. Khi nghĩ đến cảnh tết đoàn viên cũng có chút xíu chạnh lòng.

Năm nay, là năm rất đặc biệt năm quan hệ Việt Pháp, ở Pháp sẽ có rất nhiều chương trình Tết lớn, được tổ chức bởi cả 2 nước, tôi và nhiều bạn sinh viên cũng sẽ tham gia. Đây là cơ hội rất lớn đề học hỏi về quá trình tổ chức sự kiện, cũng như là một dịp để giao lưu văn hoá.

Vây đấy chia sẻ một chút về cái Tết xa quê của tôi để bạn bè có thể hiểu thêm một chút về cái Tết xa quê, và đặc biệt là để các bạn chuẩn bị xa quê hương hình dung cái Tết xa nhà sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều, dù bạn có đi đâu, ở đâu cũng có đồng bào mình, họ sẽ luôn giang cánh tay đón bạn. Và đừng ngại coi họ như gia đình thứ 2 của bạn, họ chính là điểm tựa của bạn khi bạn xa gia đình.

Chúc các bạn xa nhà đón 1 cái Tết thật đầm ấm và đủ .

Mạnh Linh NGUYỄN

read more

Người Pháp và Sex – vài con số thú vị

Người Pháp vẫn luôn được biết tới như những người tình nóng bỏng, và lãng mạng trong tình yêu và cả trên giường nữa. Điều đó không sai , khi cả đàn ông và phụ nữ Pháp, coi tình dục như món ăn tinh thần không thể thiếu như bánh mỳ Baguette của họ. Không chỉ có những suy nghĩ rất cởi mở về tình dục, người Pháp cũng có thể sẵn sàng nói chuyện với bạn một cách rất thoải mái về vấn đề này, tất nhiên theo xu hướng chung so với những người thuộc lớp trung niên,  giới trẻ vẫn thoáng hơn hơn khi đề cập đến tình dục.

Người Pháp luôn giành nhiều thời gian để tìm hiểu và chăm sóc cho vấn đề giường chiếu, chính vì vậy mà họ xứng đáng với danh hiệu “vô địch trên giường” mà nhiều nước trong châu âu vẫn đánh giá về họ.

Dưới đây là một vài con số thú vị về vấn đề vấn đề  tình dục của người Pháp có thể có những con số làm bạn ngạc nhiên tuy nhiên hãy nhớ rằng văn hoá phương tây có rất nhiều điều khác xa với nền văn hoá của chúng ta.

 

nguoi-phap-sex

Số lần quan hệ trung bình của người Pháp là 8,9 lần trong tháng

8,9 là số lần quan hệ trung bình của cả phụ nữ và đàn ông và phụ nữ Pháp

2,5 % đàn ông công bố rằng họ thường xuyên gặp khó khan trong việc xuất tinh được mỗi khi quan hệ

7,4 % phụ nữ công bố họ thường xuyên gặp khó khan trong việc đạt cực khoái

90 % đàn ông Pháp đã từng thủ dâm

60 % phụ nữ Pháp đã từng thủ dâm

50 % Người Pháp đã dừng có quan hệ theo kiểu tình 1 đêm

50% Người Pháp đã từng quan hệ ngoài trời

2% Đã từng quan hệ tại nơi làm việc

16 % Đàn ông Pháp đã từng quan hệ cùng lúc với 2 hoặc nhiều người

22 % người pháp mua ít nhất một sex-toy trên năm

17,2 là độ tuổi trung bình cho lần quan hệ đầu tiên ở đàn ông Pháp

17,6 là độ tuổi trung bình cho lần quan hệ đầu tiên ở phụ nữ

11 phụ nữ là con số trung bình mà đàn ông Pháp đã qua đêm trong đời họ

4,4 đàn ông là con số trung bình mà phụ nữ Pháp đã qua đêm trong đời h

49 ngày 13 giờ 41 phút là con số trung bình người Pháp dành cho quan hệ tình dục trong một đời người

 

Nguồn số liệu Điều tra của viện nghiên cứu INSERM, INED, năm 2007

Mạnh Linh NGUYỄN

read more

Sổ tay hướng dẫn du học Pháp của hội sinh viên Việt Nam tại Pháp uevf.org

Hiện nay các bạn sinh viên, học sinh tại Việt Nam đang ráo riết hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị nộp sang các trường tại Pháp.

Văn hoá Pháp giới thiệu tới các bạn cuốn sổ tay được soạn thảo bởi các bạn sinh viên VN đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp. Nói thêm một chút về Hội sinh viên tại Pháp hiện nay có khoảng 7500 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo của Pháp. Với các mục tiêu hoạt động đã đề ra, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng như tại Việt Nam.

Cuốn sổ tay là những chia sẻ hữu ích từ A-Z cho một bạn học sinh, sinh viên muốn qua Pháp du học.

Mời các bạn Download và đọc tại đây : Link download Sổ tay du học Pháp 2013 

Ngoài ra sau khi tham khảo Sổ tay , các bạn có thắc mắc có thể liên hệ trong phần Bình luận dưới bài viết này hoặc qua trang facebook của văn hoá Pháp

Với những bạn chưa có ý định đi ngay năm nay, cũng nên sớm chuẩn bị để có kế hoạch cụ thể về việc học tiếng hoặc lên kế hoạch tài chính

Thông tin của Hội SVVN tại Pháp 

 

Trụ sở : 16, Rue du Petit Musc, 75004 Paris, FRANCE

Website: www.uevf.org

Hộp thư điện tử: [email protected]

Facebook : www.facebook.com/uevf.org

Chúc các bạn thành công !

read more

Khoa học trong trường phổ thông ở Pháp

Từ cuối thế kỷ 19, với các cải cách lớn mang tính cách mạng trong giáo dục do Jules Ferry đề ra, nước Pháp đã có một hệ thống giáo dục phổ thông bắt buộc và miễn phí cho toàn dân, tiến tới bình đẳng nam nữ, và tách rời giữa tôn giáo và giáo dục. Ngày nay, học sinh phổ thông ở Pháp không những không phải đóng tiền học phí hay các khoản ‘bồi dưỡng giáo viên”, mà còn được trợ cấp một phần tiền mua sách vở và tiền ăn trưa ở trường. Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông ở Pháp khá toàn diện và khách quan, nhằm tạo ra những con người khỏe mạnh, tự do, có văn hóa và hiểu biết xã hội. Ví dụ, học sinh phổ thông nào cũng được học bơi. Môn triết học ở phổ thông mang tính khai sáng, dạy về  các tư tưởng triết học lớn  từ cổ đến kim trên thế giới. Môn lịch sử cũng khách quan, có bình luận phê phán cả các hành động của nước Pháp. Nếu như trước đây người Pháp thường kém về ngoại ngữ, thì ngày nay chương trình phổ thông đã chú trọng hơn về vấn đề này, các học sinh hay có dịp đi các nước khác thực tập ngoại ngữ, và có thể nói được đến 2-3 ngoại ngữ nếu học tốt.

Nói riêng về khoa học, hiểu theo nghĩa khoa học tự nhiên và công nghệ, thì khoa học luôn đóng vai trò quan trọng trong suốt 12 năm học chính thức ở phổ thông. Các môn khoa học đều nhằm nâng cao sự tò mò ham hiểu biết của học sinh, đồng thời trang bị cho học sinh các kiến thức tối thiểu cần thiết cho cuộc sống. Theo như trang mạng của Bộ Giáo Dục Pháp (http://www.education.gouv.fr/cid54197/l-enseignement-des-sciences.html) có ghi, giáo dục khoa học ở phổ thông được phân chia và qui địch về mục đích như sau:

Ở bậc tiểu học (tiếng Pháp gọi là “école élémentaire” hay  “école primaire”), khoa học được chia thành hai môn chính: môn toán học, và môn khoa học thực nghiệm và công nghệ. Thời gian học toán trên lớp là 180 giờ một năm, hay là 36 tuần mỗi tuần 5 giờ. Mục tiêu đề ra cho lứa tuổi này là nắm bắt thành thạo các con số và các phép tính số học, phát triển khả năng suy luận logic,trí tưởng tượng và trừu tượng hóa, giải các bài toán đơn giản. Môn khoa học thực nghiệm và công nghệ được đưa vào dạy từ lớp 3 (tiếng Pháp gọi là lớp CE2), với thời gian dạy trên lớp là 78 giờ mỗi năm. (Giờ ở đây là giờ đồng hồ, tính ra số tiết học có thể lớn hơn). Mục tiêu chủ yếu của môn này là để làm quen với thế giới và với những thứ do con người tạo ra, nhận biết được các tính chất của chúng.

Ở bậc trung học cơ sở (tiếng Pháp gọi là “collège”), khoa học được chia thành 4 môn: a) toán học, b) vật lý và hóa học, c) sinh vật (gọi tên đầy đủ là khoa học về sự sống và trái đất), d) công nghệ. Ở một số trường thực nghiệm, ba môn lý-hóa, sinh vật và công nghệ được trộn vào nhau thành một môn hỗn hợp kiểu “khoa học và công nghệ”. Từ bậc học này, cách tiếp cận môn toán và các môn khoa học khác đã bắt đầu mang tính nghiên cứu: đặt vấn đề, suy luận, đặt các giả thuyết, làm thí nghiệm trên các ví dụ,  viết ra phương trình thích hợp, tinh toán tìm lời giải, kiểm tra lời giải, trình bầy và thông báo kết quả, v.v.   Ở môn lý-hóa, học sinh được tìm hiểu về các thứ như: vật chất, ánh sáng, điện, lực hấp dẫn, v.v.  Ở môn sinh vật, học sinh được tìm hiểu về cấu trúc hoạt động của cơ thể người, và của các sinh vật khác, và môi trường trên trái đất. Một trong những mục đích của môn sinh vật là tạo ra tinh thần trách nhiệm của học sinh đối với môi trường, và sự tôn trọng đối với những con người và sinh vật khác. Ở môn công nghệ, học sinh được học các phương pháp và kiến thức để hiểu và sử dụng được một số máy móc phổ biến do con người tạo ra nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau.

Bậc trung học phổ thông (tiếng Pháp gọi là “lycée”) có phân ra làm nhiều ban khác nhau, mỗi ban dạy thiên về một mảng kiến thức nào đó và cũng dạy các mảng kiến thức khác nhưng ở mức nhẹ hơn: ví dụ có ban thiên về ngôn ngữ và văn học, có ban thiên về kinh tế và xã hội, có ban thiên về khoa học quả đất, có ban thiên về toán và tin học, có ban thiên về máy móc kỹ thuật, v.v.  Chương trình khoa học do đó giữa các ban khác nhau có phần khác nhau khá nhiều, nhưng về cơ bản cũng có các môn toán, lý-hóa, sinh vật, và các môn về công nghệ và kỹ thuật. Về mặt toán học, từ năm lớp 10 (tiếng Pháp gọi là năm “seconde”, tức là năm đầu tiên của lycée), ngoài hình học và đại số, học sinh còn được học về xác suất thống kê, và một số khái niệm của giải tích toán học. Môn sinh vật và trái đất ngoài dạy về cơ thể con người và sức khỏa còn dạy cả về địa chất, về sự tiến hóa của trái đất, các vấn đề lớn của trái đất, v.v. Môn lý hóa có dạy cả về vũ trụ, và về các ứng dụng của lý-hóa đến thể thao, sức khỏe, và y tế.

Nếu so với Việt Nam, có thể nói chương trình phổ thông của Pháp không nặng hơn về số giờ học, nhưng phong phú hơn, chú trọng nhiều đến thực hành và ứng dụng hơn, và đến khả năng quan sát và phán xét và tư duy độc lập của học sinh hơn, học sinh có nhiều điều kiện để làm thí nghiệm và tiếp cận với các máy móc hơn. Ví dụ, trong môn lý-hóa (ở Việt Nam tách làm hai môn nhưng ở Pháp là chung một môn), học sinh được học không chỉ các công thức vật lý và hóa học, mà còn được học ứng dụng của chúng đến sức khỏe của con người ra sao, trường điện từ hay áp suất hay các nguyên tố ảnh hưởng đến con người thế nào, v.v. Học sinh được thực nghiệm trên lớn làm những dụng cụ như là  radio hay vi mạch điều khiển tự động ở mức đơn giản. Các học sinh phổ thông theo hướng học nghề của Pháp thì được tiếp cận với máy móc công nghiệp hiện đại, ví dụ như là các máy để chế tạo và sửa chữa ô tô.

Ngoài chương trình chính thức trên lớp, ở Pháp còn có nhiều hoạt động ngoại khóa có tính tự nguyện, không bắt buộc, nhằm nâng cao và đáp ứng sự tò mò khám phá khoa học của trẻ em.  Trong đó có thể kể đến các chương trình TV về khoa học (ví dụ như chương trình “C’est pas sorcier”) , các sách báo cho trẻ em về khoa học (ví dụ như tạp chí “Science et Vie Junior”), các cuộc thi olympiad về các môn khoa học (trong đó có cả toán, lý, hóa, địa chất, công nghệ), các khu thí nghiệm khoa học cho trẻ em (tiếng Pháp gọi là AST, “ateliers scientifiques et tecniques”),  các trung tâm triển lãm khoa học (ví dụ như ở Toulouse có trung tâm triển lãm vũ trụ gọi là “Cité de l’Espace”), các “ngày mở cửa” ở các đại học, các cuộc tập sự của trẻ em ở các trung tâm nghiên cứu khoa học (ví dụ như Viện Toán Toulouse cũng thường xuyên đón tiếp nhiều học sinh phổ thông đến tập sự tìm hiểu các vấn đề toán học rồi trưng các kết quả khám phá của mình lên trên tường cho các bạn và các giáo sư nhận xét), chương trình “Science à l’école” (trang web: http://www.sciencesalecole.org/) của Bộ giáo dục nhằm tổ chức các hoạt động khoa học và cho mượn các dụng cụ khoa học, v.v. Nói chung, hầu như bất kỳ học sinh nào yêu khoa học đều có nhiều điều kiện  (miễn phí hoặc với chi phí thấp) để tiếp cận với các lý thuyết và thí nghiệm khoa học.

Dù rằng điều kiện tiếp xúc với khoa học của học sinh ngày càng tằng lên, nhưng có một xu hướng khá rõ rệt và đáng lo ngại xảy ra ở Pháp (và có lẽ ở nhiều nước khác), là sư đam mê khoa học ở học sinh có vẻ giảm đi nhiều trong vòng 1-2 thập kỷ qua, đặc biệt là đối với các khoa học cơ bản.  Điều này thể hiện rõ ở việc lượng sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản giảm đi nhiều (thậm chí có những chương trình ở trường đại học tồn tại được là nhờ có sinh viên nước ngoài đến từ các nước còn nghèo, chứ quá ít sinh viên bản địa theo học). Một trong các hậy quả trực tiếp là thiếu người giỏi làm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ (trong khi đó khoa học công nghệ chính là động lực phát triển kinh tế trong xã hội hiện đại) , và thiếu cả giáo viên dạy phổ thông. Chẳng hạn, các chương trình thi lấy chứng chỉ giáo viên ngành toán gần đây (gọi là thi  CAPES, và ở mức cao hơn là thi agrégation) ở Pháp thừa nhiều chỉ tiêu mà thiếu người đạt đủ trình độ. Thậm chí, có những trường phổ thông trung học ở những nơi hơi xa thiếu giáo viên dạy toán đi đăng quảng cáo mãi cũng không ai đến xin việc, và giáo viên ở các nơi thường phải dạy quá chỉ tiêu.

Vấn đề giảm sút sự quan tâm đối với khoa học này là một vấn đề đau đầu, không chỉ cho ngành giáo dục, mà cho xã hội nói chung. Nó dẫn tới những hiện tượng “kỳ quái” như chương trình toán ở phổ thông phải giảm nhẹ đi, học sinh khi vào đến đại học kiến thức chuẩn bị về toán ngày càng yếu đi (trong khi đó khoa học càng ngày càng hiện đại phức tạp và đòi hỏi chuẩn bị về toán ngày càng tốt). Có thể đổ lỗi hiện tượng này cho một số nguyên nhân như: Cách mạng công nghệ thông tin như là con dao hai lưỡi: nó đem lại rất nhiều tiện lợi, tăng hiệu quả của rất nhiều thứ, nhưng cũng khiến con người ta dễ mất tập trung hơn, dễ bị “rác thông tin” làm ảnh hưởng hơn. Một hiện tượng khá phổ biến ngày nay, là có những học sinh sinh viên vào những lúc cần tập trung để có thể hiểu một kiến thức tế nhị nào đó, luyện tập một cái gì đó hay giải quyết một vấn đề hay ho nào đó, thì lại đi nghe nhạc, nhắn tin, chơi game, đọc những thứ nhảm nhí, v.v. Xu hướng “ăn xổi” của “xã hội tiêu thụ” khiến con người ta, nếu không được rèn luyện hợp lý, sẽ chỉ hướng tới những cái dễ dàng, kiếm tiền nhanh, hưởng thụ ngay, v.v., trong khi khoa học thì không như vậy. Và khi đồng tiền biến thành “thước đo duy nhất” đánh giá sự thành công của con người, thì khoa học bị coi rẻ, vì người ta không nhận thấy rằng, trái ngược với các “con buôn”, các nhà khoa học làm ra rất nhiều của cải cho xã hội mà đòi hòi ngược lại từ xã hội ít hơn nhiều. Đây là vấn đề mà không chỉ có Pháp, mà toàn thế giới đang phải đối mặt. Khoa học cần được đầu tư tốt hơn, vị trí của khoa học và của các nhà khoa học cần được nâng lên, cả về mặt kinh tế lẫn về mặt nhận thức xã hội, thì mới dễ thu hút được nhiều người theo khoa học.

Báo Tia sáng

read more