Review Category : Du học Pháp

Nước Pháp vài nét tổng quan

Ngày làm việc bắt đầu khoảng từ 8 giờ đến 9 giờ và kết thúc khoảng 17 giờ đến 18 giờ. Thông thường người lao động Pháp ăn trưa vào khoảng 13 giờ tại nhà ăn của công ty hoặc tại một quán ăn nhanh ? thường rất đông khách vào giờ đó. Buổi tối, các nhà hát, rạp chiếu phim thường mở cửa vào khoảng 20 giờ đến 21 giờ.

Đi chợ : Các cửa hàng thường mở cửa từ thứ Ba đến 19h30 thứ Bảy. Các siêu thị chỉ đóng cửa ngày Chủ Nhật. Mọi người, ở thành phố cũng như ở nông thôn, thường đi chợ vào sáng thứ bảy hoặc sáng chủ nhật.

Lưu ý : Các viện bảo tàng mở cửa cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật nhưng đóng cửa ngày thứ Ba. Ở tỉnh lẻ các ngân hàng có thể đóng cửa buổi chiều nhưng bạn sẽ tìm thấy máy rút tiền tự động không mấy khó khăn. Các thẻ tín dụng quốc tế Visacard và Mastercard được sử dụng rất rộng rãi tại Pháp.

Hình ảnh đặc trưng của 1 người Pháp, đầu đội mũ bê rê tay cầm bánh mỳ baguette

Phong cách sống

Khác với người Anh, người Pháp ít khi tiếp đón khách xã giao tại nhà. Lần đầu tiên người ta mời khách thường có chút trịnh trọng và phải quen biết một thời gian rồi ngưòi ta mới mời bạn đến nhà. Khi gặp nhau người Pháp thường bắt tay chào nhau.

Khi ăn người ta thường đợi cho tất cả mọi người được phục vụ rồi mới bắt đầu ăn. Nếu bạn muốn hút thuốc thì nên xin phép trước. Không nên gọi điện đến nhà người Pháp sau 22 giờ, và cũng nên tránh đến sớm khi bạn được mời ăn cơm hay đến muộn khi bạn có một cuộc hẹn.

Khi nói chuyện, ngôi “vous” thể hiện sự tôn trọng, kính nể và khoảng cách. Nên dùng “vous” khi nói chuyện với người không thân, lớn tuổi hơn bạn hay là cấp trên của bạn. Ngôi “tu” thể hiện tình cảm, sự thân thiện. Giữa bạn bè thông thường người ta chuyển từ “vous” sang “tu” một cách tự nhiên, nhưng đối với người lớn tuổi hơn thì không nên dùng “tu” khi người đó chưa đề nghị bạn xưng hô như vậy.

Nước Pháp là như thế nào ?

Pháp là một nước nông nghiệp phát triển với những đặc thù riêng của từng vùng. Đất nước công nghiệp hiện đại nhưng Pháp rất chú trọng bảo vệ cảnh quan, bảo vệ các truyền thống của mình. Nhà nước đã lập ra 6 vườn quốc gia, 126 khu bảo vệ thiên nhiên và hơn 400 vùng sinh cảnh. Có hàng nghìn địa điểm còn rất hoang dại mà bạn có thể khám phá : Cao nguyên Larzac, núi lửa Auvergne, đầm Poitevins, vùng Camargue…

 

Nước Pháp có 12 thành phố hơn 350 000 dân, phân nửa dân Pháp sống ở những thành phố hơn 50 000 dân. Riêng vùng Paris chiếm tới gần 10 triệu dân. Các thành phố lớn khác như Marseille, Lyon chỉ có khoảng hơn 1 triệu dân. Xu hướng hiện tại cho thấy ngày càng nhiều người Pháp rời những thành phố lớn để đến với những thành phố trung bình.

Bao bọc bởi 4 biển (biển Bắc, biển Manche, biển Atlantique và biển Địa Trung Hải), Pháp có tới 5 500 km bờ biển: vùng Bretagne nổi tiếng bởi những bờ biển hoang dã, Landes có những bờ biển rất dài và Địa Trung Hải quanh năm có nắng ấm.

Mỗi người dân đều tự hào về làng mình, vùng của mình, đặc sản hay rượu vang của vùng. Chính Đại tướng DE GAULLE cũng đã phải thốt lên : “Làm sao mà điều hành được một đất nước có tới 400 loại phomát khác nhau ?”.

Thời tiết thì sao ?

Chỉ nhỏ bằng 1 phần 7 Quebec, nhưng nước Pháp có khí hậu và thiên nhiên rất đa dạng. Nhiệt độ đo bằng đơn vị độ C (0oC tương đương với 32oF).

Biển Atlantique và biển Manche làm cho phía Tây có khí hậu đại dương ẩm và ôn hoà. Mùa đông ở Rennes, Brest, Caen hay Rouen, thường không lạnh lắm, đôi khi có sương mù còn mùa hè thì mát. Xuôi xuống dọc theo bờ biển, giữa Nantes và Biarritz, bạn sẽ gặp những mùa hè rất đẹp. Bờ biển Landes là một địa điểm lướt sóng nổi tiếng thế giới.

Vùng Trung Tâm và phía Đông nước Pháp có khí hậu lục địa. Mưa không nhiều và mùa đông rất lạnh. ở Strasbourg, nhiệt độ có thể hạ xuống tới âm 15 độ C. Các núi : Massif Central, Jura, Alpes, Pyrénées, có tuyết phủ trong vòng nhiều tháng: đó chính là lúc bạn có thể đi trượt tuyết !

Ở phía Nam và đảo Corse là khí hậu Đại Trung Hải, mùa hè rất nóng và mùa đông thì không lạnh lắm. Khách du lịch của cả Châu Âu đều quy tụ về những bãi biển vùng này từ tháng 5 đến tháng 9.

Theo edufrance.fr

read more

Phong tục đón Giáng Sinh ở Pháp

Vậy là giáng sinh đang đến rất gần rồi. Hôm nay Văn hóa Pháp xin được giới thiệu cho các bạn đã và đang sinh sống tại đây một số phong tục truyền thống trong lễ Giáng sinh tại đây. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Ở Pháp, Giáng sinh là khoảng thời gian dành cho đoàn tụ gia đình và cho sự vị tha, bởi tình cảm gia đình, bởi những món quà và nến giáng sinh cho trẻ nhỏ, những đồ bố thí cho người nghèo, Lễ thánh lúc nửa đêm, và Bữa ăn đêm Noel (La Réveillon)

Bàn tiệc đêm giáng sinh

Lễ Giáng sinh ở Pháp rất đa dạng theo các vùng miền. Phần lớn các tỉnh ở Pháp tổ chức Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, là ngày bắt đầu của kì nghỉ. Tuy nhiên, ở phía Đông và phía Bắc nước Pháp, mùa giáng sinh bắt đầu vào ngày 6 tháng 12, Lễ thánh Nicolas, và ở một số tỉnh còn có Lễ Mừng Ba Vua (tức các chiêm tinh đi tìm chúa Jesus hài đồng)là một trong những kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong mùa giáng sinh. Ở Lyon, ngày 8 tháng 12 là ngày Lễ hội Ánh sáng, khi mà người Lyon bày tỏ lòng thành kính với Trinh nữ Maria bằng cách đặt những cây nến trên bậu cửa sổ để thắp sáng thành phố.

*Lễ Mừng Ba Vua thường được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 1, nhưng ở một vài nơi tại Pháp, lễ này được tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau ngày 1 tháng 1.

Hình ảnh 3 Vị vua trong 1 bộ phim Pháp ( Les Rois Mages )

 

 

Giáng sinh Truyền thống của người Pháp

 

Trẻ em Pháp đặt những đôi tất phía trước lò sưởi, với hi vọng rằng Ông già Noel sẽ cho chúng những món quà. Kẹo, trái cây, các loại hạt, và những đồ chơi nhỏ cũng sẽ được treo trên cây qua đêm. Ở một số vùng còn có Ông già ba bị (Père Fouettard) , người chuyên đi đánh đòn những trẻ em hư .

Vào năm 1962, một đạo luật được thông qua, nói rằng tất cả những lá thư gửi cho Ông già Noel sẽ phải được trả lời bằng một tấm thiệp mừng. Khi cả một lớp học viết một lá thư, mỗi em học sinh sẽ được nhận một tấm bưu thiếp trả lời riêng.

 

Bữa ăn Đêm giao thừa

Mặc dù càng ngày càng có ít người Pháp tham gia Lễ thánh lúc nửa đêm vào dịp giáng sinh, nhưng nó vẫn là một phần quan trọng trong Giáng sinh với rất nhiều gia đình. Nối tiếp đó là một bữa tiệc lớn, gọi là Le Réveillon (từ động từ réveiller, nghĩa là thức dậy hay hồi sinh). Le Réveillon có ý nghĩa tượng trưng cho ngày Chúa Kito ra đời và là đỉnh điểm ẩm thực trong mùa, khi mà bạn có thể thưởng thức đồ ăn ở nhà, ở nhà hàng hay ở bất kì quán cà phê nào, tất cả đều được mở qua đêm. Mỗi vùng ở Pháp có một danh sách thực đơn riêng dành cho ngày lễ Giáng sinh truyền thống, với những đĩa đầy đồ ăn như ngỗng, gà, gà trống thiến, gà tây nhồi hạt dẻ, hàu, và boudin blanc (tương tự với bánh pudding trắng)

 

Tráng miệng ngày Giáng sinh ở Pháp

Trải dài theo mùa Giáng sinh, ở Pháp có một số món tráng miệng truyền thống như sau:

  • La bûche de Noël – Bánh khúc củi - Một chiếc bánh ga tô  làm bằng sô cô la và hạt dẻ. tượng trưng cho những khúc gỗ được đun cháy trong lò sưởi
  • Le pain calendal (ở miền Nam nước Pháp) – Ổ bánh mì giáng sinh, một phần theo như truyền thống thì sẽ được dành tặng người nghèo

Bánh khúc củi

  •  La Galette des Rois (ở Epiphany) – Bánh tròn được cắt thành từng miếng nhỏ, và được chia bởi một đứa bé, gọi là Ông Vua Con hoặc là Tiểu Nhật, giấu dưới gầm bàn. Bất cứ ai tìm thấy hạt đậu – sự quyến rũ ẩn bên trong – sẽ trở thành Vua hoặc Nữ hoàng, và có thể chọn bạn tình.

 Đồ trang trí giáng sinh ở Pháp

Cây giáng sinh là đồ trang trí chính trong nhà, ở trên đường phố, các cửa hiệu, công ty và cả các nhà máy. Cây giáng sinh xuất hiện lần đầu ở Alsace vào thế kỷ 14, được trang trí bởi những trái táo, hoa giấy và ruy băng, và được giới thiệu ở Pháp vào năm 1837.

Một điều rất quan trọng trong giáng sinh ở Pháp là việc lấp đầy nhà trẻ bằng những bức tượng nhỏ, những thứ thường xuất hiện ở nhiều nhà thờ và các khu dân cư. Các nhà trẻ thường dựng những vở kịch hoặc múa rối dựa trên những câu chuyện về Giáng sinh và thường được biểu diễn để dạy cho bọn trẻ hiểu về ý nghĩa quan trọng của ngày lễ kỉ niệm này.

Nhành tầm gửi sẽ được treo trước cửa ra vào suốt dịp Giáng sinh để mang lại may mắn an lành cho cả một năm sau đó.

Vòng hoa tầm gửi

Sau Đêm giao thừa, người Pháp có phong tục đặt một cây nến đang cháy để phòng trường hợp Trinh nữ Maria ghé qua.

Mai Thùy Linh

 

read more

Nỗi niềm của kẻ du học xứ người!

Uh rồi sẽ thế nào nhỉ…hình dung nhé…có lẽ sẽ là như thế này này…
Du học có nghĩa là mổi buổi sáng thức dậy, cảm giác đầu tiên sẽ là sự cô đơn, rồi tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì. Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng, ráng lên nào, sống vì tương lai. ..
Du học có nghĩa là sẽ đeo balô trên lưng và sách nặng cầm trên tay, bước vào cổng trường và nhớ ngày xưa mình đi học còn vì niềm vui được gặp bạn bè mỗi ngày. Bây giờ mình đi học, cũng vì niềm vui ấy ở thì tương lai..

Du học có nghĩa là sẽ có ngày bật khóc, chỉ còn cảm giác run lên và sự trống rỗng trong đầu, buồn bã, cô độc và bi quan! Đây đâu phải là mình?

Du học có nghĩa là da sẽ trắng. Gió lạnh thổi tan nắng mỏng manh khiến da vàng cũng thành trắng xanh, trắng muốt. Và gió thổi bay cả những gân hồng ngọt ngào của một đất nước xa xôi, thổi khô nước mắt, lạnh tình người và lạnh trái tim.

Du học có nghĩa là một buổi trưa lang thang trên sân trường, ngồi nói chuyện với bạn hay chỉ có mình mình trong thư viện. Tất cả đều không mang cảm giác ĐỦ! Chỉ biết mình đang sống tạm, sống thiếu thốn tình cảm, sống để sau này sẽ được sống ĐỦ!

Du học có nghĩa là cơm trắng ngon hơn hamburger, pizza không bằng bánh mỳ, và pasta hay mì Ý cũng kô sánh được với bát bún gà giản đơn. Đi nhà hàng nhìn 1 menu dài đằng đặc nhưng lại chỉ thấy thèm những món ăn mẹ nấu..

 

Du học có nghĩa là sẽ phải nhìn theo cái vẫy tay xa xăm của người thân sau lớp kiếng ngăn cách ở sân bay, là nụ cười và lời chúc của bạn tiễn đưa, là nước mắt của mình sau lớp chăn bông dầy, là câu hứa năm sau gặp lại bật ra trên những đôi môi run, là thời gian rất dài…

Du học có nghĩa là tức tối khi muốn viết câu văn hay mà từ vựng lại nằm đâu đó quá xa trong cuốn từ điển dày cộm, là mệt mỏi khi quyển sách lịch sử quá dày mà mắt đã đỏ vì thức khuya, là ngu ngơ tập phát âm thêm một thứ ngôn ngữ khác nữa ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, là lóng ngóng thức cả đêm để hoàn thành một bài assigment, là mới toanh trong 1 ngôi trường và những luật lệ.

Du học có nghĩa là lớn lên. Cầm dao xắt hành và ôm đũa chiên cơm, nặn bột làm bánh bao và cookies. Lấy giấy tờ và đôi co vì một quyền lợi, nắm tương lai trong tay và tự đóng khuôn để đúc chính mình, rớt vào một mặt khác của trái đất, sẽ nhận thấy những điều mình hiểu lâu nay không đơn giản như mình hiểu, sợ hãi trước cuộc đời nhưng nôn nóng muốn bước vào đương đầu với nó.

co-don-du-hoc

Du học có nghĩa là sẽ lo lắng khi một người bạn đóng cửa blog hay không trả lời message của mình trong Yahoo Messenger. Thấy bạn mình xa và mình thì bất lực… Và yên tâm khi cánh cửa lại hé mở, thở phào, uh bạn không sao, mỉm cười, lại được đọc về bạn nữa rồi, nháy mắt, bọn mình đâu có xa…

Du học có nghĩa là sẽ chỉ được nhìn bố mẹ qua khung webcam mờ nhỏ xíu trên màn ảnh vi tính và nghe mẹ cười hiền, mấp máy con đừng lo trong điện thoại. Nhưng sau lưng, bố mẹ đang phải vật lộn với những núi đá nặng trịch của cuộc đời, còn trước mặt mình lại là tương lai thênh thang mở rộng. Má ấm lên giọt nước mắt, vì tình yêu bao la có nghĩa là hy sinh với nụ cười trên môi..

Du học có nghĩa là tự hào. Tự hào thấy mình thay đổi, tự hào thấy mình đang lớn, tự hào vì mình được yêu thương

Du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa với mình, với người ta, với gia đình, với bạn bè. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh. Tự hứa và tự ráng hoàn thành lời hứa.

Du học có nghĩa là đi XA học. Là đi học ở xa. Là đi học ở rất xa. Là đi học ở rất rất xa…

Far from home,self-reliant. Never forget difficult time to strive for mastery and future!!!

Try ur best n never say repent!!!

By :Ha Tien Cuong ( Internet )
read more

Nước Pháp : Vương quốc của nghịch lý ẩm thực

Vào năm 2010, nghệ thuật ẩm thực của Pháp từng được UNESCO liệt vào hàng Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong số 10 nhà đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới hiện giờ, có đến 5 nhân vật là người Pháp. Nhưng đó là bề nổi, bởi vì khi ta nhìn kỹ lại, nước Pháp đang đứng trước nhiều nghịch lý mà chưa có nhà nghiên cứu xã hội nào có thể giải thích nổi.

Du khách nước ngoài đặt chân đến Paris sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy thủ đô nước Pháp tràn ngập các cửa hàng bán thức ăn nhanh (fast food). Theo một phóng sự điều tra gần đây chiếu trên đài truyền hình France 2, thì nếu phải so sánh về mật độ dân cư, thì Paris đứng hàng thứ ba tại Châu Âu sau Luân Đôn và Amsterdam. Câu hỏi đặt ra là vì sao thủ đô của ngành ẩm thực lại có nhiều tiệm bán thức ăn nhanh như thế ? Và đó là nghịch lý đầu tiên.

Nghịch lý thứ nhì là ngành ẩm thực của Pháp nổi tiếng trên thế giới nhờ các món ăn ngon, nhưng thực tế đời sống muốn rằng dân Pháp ngày càng ít nấu nướng. Nếp sống thành thị khiến cho mọi người chạy đua với đồng hồ, thời gian đi chợ làm bếp trong tuần giảm đi một nửa.

So với thế hệ trước, lớp thanh niên thời nay ít còn bỏ công nấu những món cầu kỳ, công phu. Yếu tố này phần nào giải thích vì sao các chương trình truyền hình thực tế như Masterchef hay là Le meilleur pâtissier de France lôi cuốn đông đảo khán giả, không chỉ riêng gì các bà nội trợ mà kể cả giới trẻ.

Chương trình truyền hình MasterChef ở Pháp

Chương trình truyền hình MasterChef ở Pháp

Nếu như ở nhà, các hộ gia đình ít còn làm bếp, nhất là ít còn nấu các món công phu, vậy thì tại sao không rủ nhau đi nhà hàng cho chắc ăn !!! Coi vậy mà không phải vậy, bởi vì theo một cuộc điều tra gần đây của tạp chí l’Expansion, cứ trên 10 nhà hàng ở Paris, là có đến 7 tiệm dọn cho thực khách các món ăn làm sẵn.

Các món làm sẵn ở đây hiểu theo nghĩa đồ đông lạnh hay là các món đã nấu xong, chỉ cần đút lò nướng hay đem ra hấp nóng lại bằng lò vi ba. Các món này do ngành công nghiệp thực phẩm chế biến, trước kia chủ yếu dành để phục vụ cho tập thể như trong các cantine, nay lại xuất hiện trên thực đơn các hàng quán như theo lời giải thích của anh Alexandre Talard, một chủ tiệm ăn Pháp ở Paris quận tư :

Có nhiều nhân viên đại diện cho các hãng chế biến thực phẩm thường xuyên đi chào hàng bỏ mối. Hầu như tuần nào cũng có một người đến quán ăn chúng tôi để tìm cách bán cho chúng tôi các sản phẩm làm sẵn trên catalogue của họ. Có cả thức ăn tươi và các món đông lạnh, tất cả đều đã được nấu sẵn. Trong thuật ngữ chuyên ngành, người ta phân lọai và gọi đó là các sản phẩm hạng tư, tức là các món ăn nấu sẵn đóng hộp hay bọc bao. Khi ăn thì chỉ cần mở ra hâm nóng lại bằng chưng cách thủy, máy vi ba hay lò nướng. Một khi đã nóng thì chỉ cần bỏ vào đĩa rồi dọn ra cho thực khách.

Quyển catalogue của các hãng chế biến thực phẩm có đến hàng trăm món như vậy, từ các món khai vị, các món chính cho đến các món tráng miệng. Nói chung là món nào cũng có. Theo tôi, điều đó đặt ra khá nhiều vấn đề. Đầu tiên hết là khách hàng. Một thực khách chịu bỏ tiền ra đi ăn tiệm, họ muốn ăn những món họ không biết làm ở nhà và do chính tay nhà đầu bếp nấu lấy, chứ không ai mà muốn ăn các món nấu sẵn đem ra hâm lại.

Kế đến nữa là trách nhiệm nghề nghiệp, bởi vì nó đặt ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Một tiệm ăn có mướn đầu bếp thực thụ không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên môn, nhưng có tài hay biết nấu ăn, trong trường hợp này, chủ tiệm ăn phải trả lương xứng đáng cho nhà đầu bếp.

Trong khi đó một tiệm ăn chỉ dọn các món ăn nấu sẵn mua từ catalogue, dù chỉ là một phần hay toàn phần thực đơn, thì chủ nhà hàng không cần phải mướn đầu bếp, mà họ có thể tự mình hâm nóng lấy hay mướn một nhân viên làm công việc này với đồng lương rẻ mạt. Theo tôi thì một người thật sự thích nấu ăn, thích làm nghề nhà hàng sẽ chẳng bao giờ làm như vậy.

Sở dĩ có hiện tượng này một phần là vì ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bắt rễ để rồi chi phối ngành kinh doanh nhà hàng. Nhưng bên cạnh đó, thực tế đời sống khiến cho một số người ở Pháp mở tiệm ăn, cho dù nấu nướng không phải là sở trường của họ.

Món gan ngỗng đặc sản của vùng Tây Nam Pháp

Món gan ngỗng đặc sản của vùng Tây Nam Pháp

Thời buổi khó khăn, việc làm không dễ kiếm : Chính phủ ưu đãi thuế khóa và khuyến khích người dân tự lập công ty, một số người lao vào kinh doanh nhà hàng, đôi khi do thiếu kinh nghiệm tay nghề, nên đơn giản nhất là mua các món ăn làm sẵn. Về điểm này, ông Aymeric Mantoux, đồng tác giả của quyển sách mang tựa đề ‘‘Le livre noir de la gastronomie française’’ (Sổ đen của Nghệ thuật ẩm thực Pháp – nhà xuất bản Flammarion) cho biết nhận xét của mình :

Dĩ nhiên là nghệ thuật ẩm thực của Pháp vẫn có một tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát thực trạng xã hội Pháp là ta có thể thấy ngay vấn đề. Nước Pháp có khá nhiều nghịch lý : bàn về chuyện ăn uống thì các công ty tuyển dụng nhiều nhân viên nhất tại Pháp lại là các cửa hiệu dây chuyền bán thức ăn nhanh.

Có người giải thích rằng nước Pháp hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt du khách, và các tiệm bán thức ăn nhanh nhằm để phục vụ giới trẻ hay tầng lớp du khách không có nhiều tiền trong túi. Theo tôi, thì vấn đề phức tạp hơn nhiều, khó thể nào mà giải thích một cách đơn giản như vậy.

Dù gì đi nữa, số lượng các quán bán thức ăn nhanh được khai trương hàng năm gia tăng đều đặn, so với các tiệm ăn nhà hàng. Một nghịch lý khác là trên đài truyền hình, ngày càng có nhiều chương trình nói về bếp núc hay thi đua nấu ăn, trong khi các gia đình thì lại ít dành thời gian để làm bếp. Xem qua những chương trình truyền hình thực tế, khán giả có cảm tưởng là nấu ăn rất dễ. Họ quên rằng nấu ăn ngoài yếu tố thời gian, còn đòi hỏi sự ‘‘khéo tay hay làm’’.

Ở trình độ chuyên môn, thì nấu ăn nhất là các món ăn của Pháp lại càng đòi hỏi nhiều kỹ năng, mà không phải ai cũng có thể nắm vững một sớm một chiều. Các nhà sản xuất chương trình truyền hình không ý thức được trách nhiệm, khi nói rằng bạn có thể học khóa cấp tốc trong hai tháng để rồi mở quán ăn phục vụ khách hàng. Ngoại trừ trường hợp bạn có tài nấu ăn, hoặc là thích nấu ăn và tự học lấy ở nhà, thì bạn khó thể nào mà nắm vững được hết các nét cơ bản nhất trong cách nấu các món ăn theo kiểu Pháp.

Về phần mình, nhà phê bình ẩm thực Périco Légasse, tác giả của quyển sách mang tựa đề ‘‘Le Dictionnaire impertinent de la gastronomie’’ phân biệt rõ ràng hai xu hướng đối chọi nhau trong ngành ẩm thực của Pháp hiện nay. Một bên là xu hướng ‘‘tự mình nấu lấy’’ từ đầu đến cuối, và một bên là xu hướng gọi là ‘‘ghép lại’’ khi sử dụng một số thành phần do công nghiệp thực phẩm chế biến :

Hơn bao giờ hết, nước Pháp đang đứng trước một nghịch lý. Đó là người dân Pháp, ở một xứ nổi tiếng trên thế giới nhờ nghệ thuật nấu nướng lại ít khi nào được ăn ngon. Trong khi đó thì nhờ vào trường phái ẩm thực của Pháp, người dân các nước ngoài lại được dịp khám phá nhiều hương ngon vị lạ.

Theo tôi, các giá trị của văn hóa ẩm thực của Pháp đang dần dần bị mai một. Chuyện ăn uống không chỉ đơn thuần là món ăn nằm trong đĩa, dọn ra trên bàn, mà văn hóa ẩm thực còn bao gồm nhiều yếu tố ở xung quanh. Khi nhắc tới nghệ thuật sống của người Pháp, người nước ngoài nhắc tới cách tiếp cận, cách hưởng thụ cũng như cung cách của người Pháp khi họ ngồi vào bàn ăn.

Các hộ gia đình ngày càng ít làm bếp, và có xu hướng mua ở siêu thị các món chế biến sẵn. Chúng ta nên làm thế nào để truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất cho lớp trẻ : nhiều em nhỏ không thích ăn trái cây tươi do cha mẹ cứ cho ăn các món làm sẵn, loại dầu giấm ăn kèm với sà lách mua ở ngoài siêu thị có mùi vị nhân tạo, trong khi tự mình pha dầu giấm rất dễ làm và ta có thể thay đổi hương vị với hàng chục loại dầu và giấm khác nhau.

Những thí dụ đơn cử ở đây cho thấy là ta có thể dùng một phần các thực phẩm làm sẵn khi thiếu thời gian hay vì chúng rất tiện dụng. Nhưng khi ta có một chút thời gian thì nên để dành nó để nấu những món ăn, dù rất là đơn giản vì qua đó ta biết được đâu là những hương vị tự nhiên, đâu là mùi nhân tạo. Đó cũng là những giây phút chia sẻ giữa bạn bè, người thân. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu bếp trứ danh của Pháp được tán tụng khen thưởng ở nước ngoài, trong khi đó ở trong nước lại có ít sáng kiến như chương trình Tuần lễ của khẩu vị để giúp cho lớp trẻ khám phá hương vị của các đặc sản địa phương hay là những món ăn do bàn tay đầu bếp nấu lấy.

Nhà sử học Alain Alain Drouard, làm việc cho cơ quan quốc gia CNRS, tác giả của quyển sách ‘‘Le mythe gastronomique français’’ chỉ chia sẽ một phần quan điểm của ông Périco Légasse. Để tránh sự nhầm lẫn ông phân biệt rõ rệt một bên là nghệ thuật ẩm thực (gastronomie hay haute cuisine) theo cách gọi của giới phê bình khi nhắc đến các nhà đầu bếp trứ danh. Và một bên là các món ăn thường ngày của người Pháp.

Món gà quay đặc biệt thường ăn trong những dịp lễ lớn, như Đám cưới, Giáng sinh

Món gà quay đặc biệt thường ăn trong những dịp lễ lớn, như Đám cưới, Giáng sinh

Bởi vì theo ông nếu không tách biệt hai vế này ra thì một cách tương tự người ta có thể nói : Pháp là xứ sở của thời trang hạng sang (haute couture) nhưng phụ nữ Pháp chưa chắc gì đă ăn mặc đẹp, tức là so sánh những gì không so sánh được.

Nghệ thụât ẩm thực của Pháp đã thay đổi một cách sâu rộng. Hiện giờ ngành này đã trở thành một ngành công nghiệp cao cấp, hướng về xuất khẩu với nhiều thương hiệu nổi tiếng do những nhân vật trứ danh đứng đầu. Họ y như là những ‘‘ngôi sao’’ hay thần tượng, thường xuyên được báo chí phỏng vấn, đăng chân dung trên trang bìa. Ở đây tôi nghĩ đến các thương hiệu như Alain Ducasse, Pierre Hermé hay Bernard Loiseau. Những gương mặt như vậy có một vai trò quan trọng, bởi vì họ quảng bá hình ảnh của ngành ẩm thực Pháp ở nước ngoài.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng số thực khách đi ăn ở nhà hàng 3 sao theo cách xếp hạng của sách hướng dẫn Michelin chỉ tương đương với 1% dân số nước Pháp. Điều đó có nghĩa là nghệ thụât ẩm thực của Pháp trước hết là một tủ kính trưng bày, qua đó các nhà đầu bếp trứ danh cho thấy cái sức sáng tạo của họ. Nhưng đổi lại ở cương vị này, thì họ phải có trách nhiệm trong việc truyền đạt kiến thức, và khuyến khích lớp trẻ đi lên. Tôi không tán đồng việc một số nhà đầu bếp trứ danh ký hợp đồng với các tập đoàn chế biến thực phẩm để cho ra đời các sản phẩm làm sẵn, với khẩu vị nhàn nhạt đồng đều nhau và như vậy đi ngược lại với một số nguyên tắc tối thiểu của một nhà làm bếp.

Bởi vì như vậy, nhà đầu bếp chỉ kinh doanh hình ảnh và thương hịêu của mình chứ không thật sự làm công việc bếp núc theo đúng nghĩa của nó. Một yếu tố khác nữa là xã hội Pháp đã thay đổi cách nhìn về chuyện ăn uống. Nếp sống hiện đại ưu tiên về vấn đề tranh thủ để tiết kiệm thời gian, và do gắn liền với thời gian, cho nên chuyện nấu nướng, làm bếp được xem như là một thú tiêu khiển, một trò giải trí.

Ngày xưa các chương trình truyền hình dạy bếp núc gia chánh hướng dẫn các bạn nội trợ làm bếp cho khéo hơn. Ngày nay, chuyện làm bếp được dàn dựng hoành tráng ngoạn mục qua các show truyền hình. Điều đó khiến cho du khách nước ngoài khi lần đầu tiên đến Pháp, có cảm tưởng có một sự khác biệt một trời một vực giữa hình ảnh quảng bá và những gì họ chứng kiến tận mắt, do họ không phân biệt được đâu là chuyện thường nhật, đâu là điều ngoạn mục.

Nếu như hiện giờ ngành công nghiệp thức ăn làm sẵn chi phối ngành kinh doanh nhà hàng tại Pháp khiến cho nhiều người đâm ra hoài nghi, không biết là món ăn có phải là do đầu bếp làm hay không. Hiện giờ tại Pháp đang có một phong trào vận động để thúc đẩy việc thành lập nhãn hiệu gọi là “fait main, fait maison” tức là do chính đầu bếp nhà hàng nấu lấy, chứ không phải là đồ làm sẵn.

Chừng nào chưa có một nhãn hiệu như vậy thì chắc ăn nhất vẫn là nhờ thổ địa, tức là cư dân sống tại chỗ dẫn đi ăn tại những nơi mà họ thường hay lui tới. Cộng đồng cư dân mạng Tripadvisor cũng có nhiều đóng góp bổ ích, do tập hợp nhiều ý kiến của các du khách khắp nơi về một quán ăn hay một khách sạn. Có người nói đùa rằng, kể từ khi các món ăn làm sẵn bắt đầu xuất hiện trên các thực đơn nhà hàng Pháp, thì các nhà đầu bếp bây giờ không còn làm bếp … mà chỉ làm biếng.

Nguồn www.rfi.fr 

read more

Paris, một thoáng bình yên …

Paris, kinh đô ánh sáng, thành phố của những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, của tuần lễ thời trang Paris xa hoa, của những nhà hàng ẩm thực Pháp đã làm nên thương hiệu trên khắp thế giới.

Đó dường như là cảm nhận chung của cả thế giới về thủ đô Paris, biểu tượng của nước Pháp. Nhưng sau một thời gian dài sống ở Paris, điều làm mình nhớ nhất về thành phố này khi đi xa không phải một Paris với đại lộ Champs-Elysées tráng lệ cùng hàng loạt các cửa hiệu hàng xa xỉ, không phải Galeries Lafayette lúc nào cũng đông nghịt du khách nước ngoài hay khu phố Oberkampf nhộn nhịp với thật nhiều những quán bar và nhà hàng… mà là Paris của dòng sông Seine bình yên, của những công viên nhỏ vào mùa lá rụng đẹp đến xao lòng, của những hàng cây trải dài trên con đường về nhà thân quen.

 

Chẳng thể kể hết những địa điểm du lịch ở thủ đô Paris vì nơi nào cũng như đã đi vào trang sách của các nhà văn nổi tiếng. Dạo một vòng quanh thành phố, cũng như đi trên vòng quay ngựa gỗ : những ánh đèn lung linh, những kỷ niệm và cảm xúc chầm chậm trôi.

Đến với Quartier Latin, một trong những khu phố cổ của Paris nổi tiếng thế giới, là đến với Le Panthéon, với quảng trường của đại học Sorbonne cổ kính từ thế kỉ 17, vườn Luxembourg, đại lộ Saint-Michel với những hiệu sách cổ gợi nhớ về Paris của một thời xa xưa.
Có những  buổi chiều lang thang gần đài phun nước Saint-Michel, nghe nhạc ngoài trời, nhâm nhi ly kem Ý trên tay, ngắm nhìn dòng người qua lại, lòng thầm ước giá thời gian ngừng lại nơi đây… Hay những chiều đông Paris giá lạnh, ngồi thưởng thức tách chocolat viennois nóng hổi trong quán Café de Flore, được  xây từ năm 1885 trên đại lộ Saint-Germain, tự dành cho mình một khoảng lặng giữa những bao nhiêu lo toan, dự định.

Đi dọc sông Seine, qua cầu Pont des Arts, đi qua tòa thị chính Hôtel de ville ngắm nhìn đài phun nước hay dạo quanh Notre-Dame de Paris, tay cầm máy ảnh ghi lai những khoảnh khắc đẹp của Paris, để một lần nữa được có cảm giác làm khách du lịch trên chính mảnh đất mình đang sống, để tự mình khám phá vẻ đẹp của thành phố  này.

Góc nhìn từ nhà thờ đức bà

Bờ sông Seine về đêm, nhắm mắt hít một hơi thật dài, cảm nhận cơn gió mùa hè miên man trên mái tóc, để thấy lòng bình yên trở lại sau những trăn trở của  cuộc sống. Dạo bước qua quảng trường Trocadéro, leo lên trên đỉnh tháp Eiffel, để được ngắm nhìn vẻ đẹp lung linh của  thành phố  không ngủ qua lớp cửa  kính.

Bước chân theo dòng người đổ về khu trung tâm mua sắm Châtelet Les Halles, rẽ qua thư viện Pompidou xem những nghệ sỹ đường phố biểu diễn, để được thưởng thức những tài năng xuất chúng giữa cuộc sống đời thường.

Ở thành phố này, nơi mà những tuần đẹp trời trong mùa hè chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ngoại trừnhững năm nắng nóng bất thường, thì tháng 7 vẫn thấy dân Paris khoác trên người chiếc áo lạnh, và vào tháng 9 thì các cửa hàng đã rục rịch chuẩn bị bán quần áo mùa đông.

 notre-dame-de-paris

Trời Paris mùa này mưa nhiều, cơn mưa đưa bước chân người hối hả hơn. Ngắm mưa rơi không ngừng, lại thấy thêm trân trọng những ngày nắng hiếm hoi. Vài tia nắng vàng cũng đủ để tạo niềm hứng khởi, là động lực để bắt đầu một ngày mới với nhiều đam mê hơn.

Paris, không có nhiều nắng vàng chói chang rực rỡ, không có cánh đồng hoa oải hương ngút ngàn như Aix-en-Provence, không có bãi biển trải dài nước xanh màu ngọc bích như Nice hay Cannes, Paris có những sắc màu riêng mà mỗi người tự cảm nhận bằng trái tim mình, bằng tình yêu với thành phố  rộng lớn này.

 Bao-tang-louvre-paris

Paris rộng lớn quá, đủ lớn để mỗi lần có dịp đi dạo quanh thành phố, vẫn cảm nhận được  chút gì đó mới lạ, một góc nào đấy chờ ta khám phá.

 

Đã có lúc phải rời xa mảnh đất này, đến với một vùng trời miền Nam đầy nắng, và rồi lại quay lại nơi đây. Đi rồi quay lại, để tự học cách hiểu và yêu mảnh đất, con người nơi này nhiều hơn. Đi xa để biết mình nhớ Paris thật nhiều.

Như cảm nhận của nhiều người, kể cả người Pháp, người Paris lạnh lùng và cao ngạo quá, thủ đô Paris xô bồ và ồn ào quá. Nhưng phải chăng sau cái vẻ lạnh lùng và cao ngạo ấy, vẫn ẩn chứa những nét rất riêng nồng ấm tình cảm mà mình cảm nhận từ những người bạn Paris.

 goc-pho-latin-paris

Đành rằng nhịp sống nơi đây với bao lo toan cuốn theo từng bước chân hối hả, khiến con người ta nhiều lúc quên đi cảm giác được hưởng thụ cuộc sống, nhưng lúc nào đấy xin bạn dành ra một chút thời gian thôi, một khoảnh khắc ngắn ngủi để cảm nhận mộtParis tràn đầy sức sống, đa sắc màu mà cũng thật dịu dàng bình yên quá đỗi…

Nguồn uevf.org

read more

Chuyện cổ tích đời tôi

Ai cũng nghĩ du học Pháp là dành cho các bạn con nhà có điều kiện, học chương trình tiếng Pháp, còn mình thì không. Nhưng nước Pháp công bằng, tình người nhân đạo đã chắp cánh giấc mơ bé con của mình.

Ngày xưa em bé, đã ước mơ gì?
Còn anh mơ ước sẽ được bay xa
Đến những cánh đồng, đến những mặt hồ tận nơi cuối trời
Hát với gió ngàn, hát với người yêu dấu…

Người mình yêu dấu ở đây chính là papa của mình. Cả đời hy sinh vì con cái đến cái áo sơ mi mặc cả mấy năm vẫn chưa dám sắm một cái mới. Con muốn một ngày nào đó không xa sẽ được cùng papa đi thăm những cánh đồng vàng rực nở đầy hoa nơi con mỗi ngày đi làm đều ngang qua, để papa thấy những gì con đã làm được sau tất cả những hy sinh vất vả mà papa dành hết cho con.

x
Nước Pháp công bằng, tình người nhân đạo đã chắp cánh giấc mơ bé con của mình. 

Ngày còn bé, mình rất thích ăn bánh mì, nhiều lúc chán cơm thèm… bánh mì, cứ đòi papa mua bánh mì ăn suốt cả tuần. Papa hay chọc sau này chắc mày đi Pháp quá. Câu nói này gieo vào đầu chú bé “mê bánh mì” một giấc mơ mà mình vẫn gọi tên giấc mơ Pháp.

Nhà mình rất nghèo, phải ở nhà thuê, nhà mướn mà ký ức tuổi thơ mình lớn lên in dấu không dưới chục lần chuyển nhà, cho nên câu nói vui ngày nào của papa giờ thành hiện thực thì đó hơn cả một câu chuyện cổ tích. Bởi lẽ ai cũng nghĩ du học Pháp là dành cho các bạn con nhà có điều kiện, học chương trình tiếng Pháp còn mình thì không. Nước Pháp công bằng, tình người nhân đạo đã chắp cánh giấc mơ bé con của mình.

Vì tương lai của chính mình, mình đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán của thiên hạ đại loại như nghèo mà đua đòi du học, để chọn con đường riêng. Thật ra đi ngược dòng thế hệ từ tiếng Anh qua tiếng Pháp là một lựa chọn đầy rủi ro, nhưng trong cái rủi luôn có cái may. Nếu đi con đường ít ai chọn thì rõ ràng con đường ấy sẽ bớt chật chội và không cần phải giành đường, lấn tuyến dễ gây va chạm với nhiều người khác.

Đó là lý do giải thích cho cái sự “khùng” của mình 5 năm về trước khi quyết định đi học Pháp. Và cái kiểu “khùng” này vẫn còn tiếp diễn trong cuộc thi viết này, trong khi mọi người ra sức viết thật hay, chứa chan cảm xúc về nước Pháp đầy lãng mạn thì mình lại vẫn trung thành với lối viết thoải mái tự do, không gò ép nhưng chân thành, bày tỏ cảm tình và suy nghĩ của mình. Bên cạnh đó mình cũng muốn giới thiệu với mọi người về một khía cạnh mới hơn về cuộc sống học hành tại Pháp dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Trước hết, du học, việc đầu tiên phải học là vượt lên chính mình, vượt qua những rào cản tâm lý. Không đơn giản là vì một tấm bằng ngoại quốc mà du học còn đem lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân như việc học được cách tự chăm sóc bản thân, tự quản lý thời gian của mình, có khả năng thích ứng tốt với cuộc sống sau này ở bất kỳ nơi đâu với hành trang kiến thức vững vàng. Đó mới là giá trị thật sự khi ta chấp nhận bỏ công sức, tuổi trẻ, hy sinh cả tình cảm cá nhân để rời xa quê hương, gia đình, bạn bè và người yêu đến một chân trời mới.

Thật vậy, cách đây không lâu, papa mình bị tai biến, gia đình giấu mình đến khi thi cuối kỳ xong, mới cho mình biết. Ngày nào còn bé quấn quýt chơi đùa với papa, cái nghề “đi xây tổ ấm” mình đang theo cũng do papa truyền cảm hứng cho, vậy mà khi papa bệnh, mình không thể về chăm sóc papa.

Papa mình năm nay đã ở tuổi thất thập, mình rất sợ, sợ một ngày nào đó, cái ước muốn được cùng papa đi du lịch Pháp sẽ không kịp thực hiện. Viết đến đây, mình không thể cầm lòng được nữa, để những giọt nước mắt, ít thôi, ứa ra nhẹ nhàng trên khóe mắt. Mà vì sao chỉ một ít thôi, vì đó là nước mắt của một đứa con trai nghe lời dạy của papa nó, phải luôn mạnh mẽ, cứng rắn, biết chấp nhận hy sinh vì tương lai tốt đẹp. Papa đặt hết kỳ vọng vào người con trai cả này, anh hai tốt thì sẽ dẫn cả đàn em nên người. Mình nhớ mãi không bao giờ quên…

Con muốn một ngày nào đó không xa sẽ được cùng papa đi thăm những cánh đồng vàng rực nở đầy hoa nơi con mỗi ngày đi làm đều ngang quac
Con muốn một ngày nào đó không xa sẽ được cùng papa đi thăm những cánh đồng vàng rực nở đầy hoa nơi con mỗi ngày đi làm đều ngang qua. 

Vậy nước Pháp có gì hay để mình chấp nhận nhiều thứ như thế này?!

Đầu tiên, ta không thể phủ nhận sự quan tâm và hỗ trợ hết mình của chính phủ Pháp. Vì thế nên cả một năm học chỉ tốn 250 đến 700 euros tùy trường (chỉ khoảng 6 triệu đến 18 triệu VND). Thậm chí nếu bạn học giỏi, bạn có thể xin miễn giảm học phí nếu điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.

Còn tiền nhà thì tùy vùng, nhưng sau khi được trợ cấp xã hội CAF hoàn lại gần một nữa, tính thêm tiền ăn uống thì tổng cộng chi phí sinh hoạt một tháng chỉ khoảng vào tầm 500 euros (13 triệu VND). Hơn nữa, đi đến đâu, sinh viên cũng đều được hỗ trợ, ví dụ như giảm giá vé tàu lửa, xe bus và các dịch vụ công ích khác. Một lần nữa, ta lại thấy được chính sách thiết thực dành cho thế hệ trẻ cũng như tính nhân đạo, công bằng không phân biệt đối với sinh viên quốc tế. Nếu không có sự trợ giúp này thì có lẽ mình đã vác ba lô về Việt Nam, bỏ giấc mơ Pháp từ rất lâu rồi.

Chương trình đào tạo bậc đại học ở Pháp tương đối nặng vì khối lượng kiến thức 4 năm cử nhân như ở Việt Nam được tích hợp lại chỉ trong 3 năm, học cả sáng lẫn chiều cả tuần. Và cũng vì thế, bạn chỉ cần 5 năm để hoàn tất học vị thạc sĩ.

Hơn nữa, giáo dục Pháp giúp sinh viên tiếp cận thực tế tốt từ những kỳ thực tập làm công nhân, để hiểu được câu lao động là vinh quang cho đến các kỳ thực tập chuyên ngành giúp cọ sát nhiều hơn với môi trường làm việc nhiều áp lực sau này. Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm thông qua các sự kiện hướng nghiệp hợp tác giữa trường và các công ty trong ngành học do trường đào tạo.

Xét về môi trường học tập, bạn bè quốc tế từ bốn phương trời rất thân thiện, vui tính nên bạn sẽ không cảm thấy căng thẳng chút nào. Ngoài ra, đôi với các thầy cô, mình rất phục họ. Tuy rất bận với công tác vừa dạy, vừa nghiên cứu khoa học nhưng mỗi khi sinh viên cần tham vấn ý kiến về một đề tài mới, họ luôn dành chút thời gian quý báu, lên lịch hẹn để lắng nghe ý tưởng.

Chẳng hạn như đề tài “Móng nhà từ vỏ xe tải cũ trên nền đất yếu” do mình đề xuất, sau khi được thầy trưởng khoa xây dựng trường mình hướng dẫn hoàn thiện, mình đã mạnh dạn áp dụng vào xây nhà của dì bảy mình tại quê nhà Sa Đéc, Đồng Tháp.

Sau đó, các thợ trong vùng thấy hay cũng chỉ nhau áp dụng loại móng mới vừa rẻ tiền mà cũng rất thân thiện với môi trường này. Đối với mình, không những đó là công trình đầu tay của mình, mà còn là một niềm hạnh phúc, một chút đóng góp nho nhỏ cho quê hương.

Móng nhà làm từ vỏ xe cũ tại Sa Đéc, Đồng Tháp, Việt Nam.
Móng nhà làm từ vỏ xe cũ tại Sa Đéc, Đồng Tháp, Việt Nam. 

Tóm lại, học tại Pháp, bạn có kiến thức vững chắc, luôn được đánh giá cao, tiếp nhận sáng kiến và tận tình hướng dẫn để trở thành những con người đầy sáng tạo, tự tin và quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Đó là những gì mình rất thích khi học ở đây.

Chắc bạn cũng vậy? Tại sao không thử lên kế hoạch cho tương lai ngay từ bây giờ với việc làm quen với tiếng Pháp? Mình cũng chỉ là một con người bé nhỏ bình thường, không có tài mà mình có thể làm được thì tại sao bạn không thể chứ? Rendez-vous en France ! Hẹn gặp lại các bạn ở Pháp.

Nguyễn Thái Hòa

read more

Thủ tục cấp mới hoặc đổi hộ chiếu

Việc đổi Hộ Chiếu (HC) không nhất thiết phải trở về Việt Nam mà có thể thực hiện tại ĐSQ Việt Nam tại Pháp.

Địa chỉ : Ambassade de la République Socialiste du Vietnam en France

62, rue Boileau, 75016 Paris

Hồ sơ đổi/cấp HC bao gồm :

-     Đơn xin cấp/đổi HC: đơn đề nghị cấp, đổi HC có thể lấy tại ĐSQ và điền ngay tại ĐSQ hoặc liên hệ Ban chấp hành UEVF tại Paris và các Chi hội của UEVF

-     Hộ chiếu cũ + photocopy những trang có thông tin (7 trang đầu + các trang có visa)

-     2 ảnh thẻ cỡ 4×6cm nền sáng

-     Titre de Séjour hoặc Récépissé của Titre de sejour + bản photocopy. Các giấy tờ này phải còn hạn (bằng chứng của việc các bạn được phép cư trú hợp pháp tại Pháp). ĐSQ sẽ gửi trả trở lại Titre cùng Hộ Chiếu mới được cấp.

-     Lệ phí làm hộ chiếu mới: 50€

Các thông tin khác

-     ĐSQ nhận hộ hồ sơ cấp đổi hộ chiếu từ 9h00-12h00 trong ngày.

-     Thời gian xét cấp đổi hộ chiếu: khoảng 1-2 tuần tính từ ngày nộp hồ sơ.

-     Bạn đến ĐSQ để trình diện và có thể đề nghị phía ĐSQ gửi hộ chiếu mới (cả hộ chiếu cũ) về cho bạn qua đường thư bảo đảm, tất nhiên bạn phải thanh toán phí cho ĐSQ (khoảng10€). Hoặc không, bạn có thể chuẩn bị trước bì thư có dán sẵn tem bảo đảm của các dịch vụ chuyển phát nhanh như Chronopost, USP…

-     Nếu bạn đã đăng ký vào “Bản Tự Khai” ở Pháp mỗi năm và là Hội viên của Chi hội thuộc UEVF thì bạn có thể yêu cầu Chủ tịch Chi hội đó cấp giấy “Ủy Quyền” cho bạn của bạn cũng là Hội viên đi làm hộ (nếu họ có dịp lên Paris và phải trình giấy tờ tùy thân) hoặc bạn có thể gửi hồ sơ qua đường Bưu điện (những trường hợp đến khi cần đổi hộ chiếu mới đăng ký “Bản Tự Khai” sẽ không được chấp nhận).

-     Chú ý : thủ tục khi bị mất hộ chiếu : Bạn phải báo ngay với cảnh sát nơi gần nhất để lấy tờ khai của Police vì tờ khai đó rất quan trọng, sau đó đến ĐSQ Việt Nam để khai xin làm hộ chiếu mới. ĐSQ sẽ fax những tờ khai của bạn về Việt Nam để xác minh tính đúng đắn. Sau khi các thông tin được xác minh là đúng, ĐSQ Việt Nam sẽ cấp cho bạn Passport mới. Một điều quan trọng nữa là bạn nên giữ lại được những bản Photocopie của hộ chiếu và titre de séjour cũ.

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Chi tiêu trung bình của sinh viên Việt Nam ở Pháp

Chi tiết về chi tiêu trung bình của sinh viên Việt Nam ở Pháp theo năm

Khoản mục  

Tháng đầu

Các tháng sau

Phí đăng kí học

Cử nhân

196 €

Cao học

245 €

Doctorat

363 €

Bảo hiểm y tế

200 €

Bảo hiểm bổ sung

200€ -600€

Nhà ở (tháng đầu tiên và đặt cọc)

300( KTX)
600 (thuê tư nhân)

300( KTX)
600 (thuê tư nhân)

Bảo hiểm nhà ở

50 €

50 €

ăn uống

100€ – 250€

100€ -200€

Thẻ đi lại ( Tram, buýt, Metro ) (năm)

200 – 350 €

0

Điện thoại

20 €

20 €

Phí nộp cho cơ quan quốc gia đón tiếp nhập cư

55 €

55 €

Chi phí học tập (sách vở…)

100 €

100 €

Các chi phí khác

90 €

90 €

 

Chi phí học và sinh hoạt cho một năm học

-          Ăn : 100 – 250 €/tháng( 1000 – 2500 €)

-          Ở:   150 – 300 €/tháng ( 1500 – 3000 €)

-          Bảo hiểm, chi phí sách vở, chi phí đi lại…: 400 – 500 €/năm

Tổng : 4000 – 6500 €/năm

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Việc làm thêm cho sinh viên tại Pháp

Ở Pháp đặc biệt là ở Paris, công việc làm thêm rất phổ biến trong giới sinh viên. Có rất nhiều các loại hình công việc mà phù hợp với hoàn cảnh, thời khóa biểu của mỗi bạn. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cách tìm kiếm.

Trang web « những người bạn – www.nhungnguoiban.org », do UEVF quản lý  mang đến cho bạn những thông tin việc làm thêm dành cho sinh viên Viêt Nam. Ngoài ra bạn có thể tìm trên internet với rất nhiều những trang thông tin việc làm như www.jobetudiant.net, www.studentjob.fr  … ( các bạn có thể tìm thấy nhiều trang khác với từ khóa Job Etudiant trên Google)

Dù là công việc làm thêm nhưng bạn cũng vẫn phải chú ý đến CV + lettre de motivation (thư xin việc), nên trình bày CV và thư rõ ràng rành mạch, ngắn gọn. Có một kinh nghiệm khi đi xin việc thấy rất rõ, họ để ư đến những người đã từng có kinh nghiệm đi làm dù là việc làm đó không giống với việc bạn đang xin làm, bởi họ đánh giá cao sự va chạm của bạn trong cuộc sống. Cho nên, ở Việt Nam ban đã từng làm công việc làm thêm nào thì đừng ngần ngại đưa vào hồ sơ xin việc ở Pháp.

Về mặt luật pháp, sinh viên nước ngoài tại Pháp, với thẻ cư trú « Sinh viên », được phép làm việc tại Pháp mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ làm việc trong năm không quá 964 h.

Theo như chúng tôi thống kê sau khi thông qua rất nhiều những sinh viên đi học và đi làm thêm ở Pháp thì có khoảng 6 loại công việc như sau :

1.      Trông trẻ

Công việc này bạn sẽ có thể dễ dàng tìm thấy trên các site internet với từ khóa (mot clé) « garde d’enfant » hoặc « baby sitter » đặc biệt là trên site www.bebenounou.fr . Nó bao gồm những hình thức trông trẻ như sau :

          “Baby sitter” : Với trẻ em dưới 2 tuổi, chưa xin được một chỗ trong nhà trẻ (crèche), bố mẹ bé sẽ cần bạn trông trẻ gần như là cả ngày (thường từ khoảng 9h sáng đến 7h tối), công việc này thích hợp với những bạn đang trong quá trình học tiếng có nhiều thời gian rỗi, vừa có thể trông trẻ vừa học.

          “Sortie d’écoles, le mercredi” (trông trẻ hàng ngày sau giờ học và cả ngày thứ tư): trường hợp này rất phổ biến, vì thích hợp giờ học của các bạn sinh viên, các bạn sẽ đến trường đón bé, thường là 16h30 (đối với trẻ đi mẫu giáo và cấp 1) đến 18h (đối với trẻ đi nhà trẻ), đưa chúng về nhà, tắm cho trẻ, cho ãn và chơi cùng chúng cho đến lúc bố mẹ trẻ về. Đối với những trẻ đã đi học thỉnh thoảng các bạn giúp chúng làm bài tập.

          « Jeune fille au pair » (ở cùng nhà với gia đình chủ nhà) : với công việc này, có thuận lợi là bạn có nhà ở luôn, được bao cả ãn và ngoài ra được trả thêm một khoản tiền để tiêu vặt. Nhưng điều bất tiện là bạn không có nhiều thời gian tự do dành cho bạn.

          “Occasionnel” (trông buổi tối) : thường thì bố mẹ bọn trẻ sẽ cần đến bạn vào buổi tối khi họ có hẹn ãn uống hoặc đi xem phim, ca nhạc (từ 20h-24h). Bạn thực chất chỉ đến để trông nhà cho họ vì bọn trẻ thường là đã hoặc chuẩn bị đi ngủ khi bạn đến. Lương bạn đươc trả cho việc này thường cao hơn so với những việc khác nhưng công việc này không thường xuyên.

          « Vacances » (kì nghỉ) : gia đình bọn trẻ cần bạn đi cùng đến các tỉnh khác nơi họ đến du lịch. Cũng có thể chỉ có bạn đi cùng bọn trẻ đến một vùng quê nơi ông bà chúng sống còn bố mẹ chúng sẽ ở lại thành phố làm việc và chỉ đến đó vào những ngày cuối tuần.

2.      Công việc nhà hàng

Bạn sẽ làm việc trong 1 nhà hàng (Việt Nam, nước ngoài) hoặc trong 1 cửa hàng ãn nhanh (Mc Donald, Quick, KFC). Đặc trưng của từng công việc là:

          Serveur (bồi bàn, tiếp viên): bạn cần nhanh nhẹn và có khă năng thu xếp vị trí ngồi cho khách thật tốt. Trong các cửa hàng ăn nhanh, công việc thường sẽ là bán đồ ăn tại quầy, chuẩn bị đồ ăn hoặc dọn dẹp.

          “Aide de cuisine” (phụ bếp),: công việc này khá nặng nhọc nên thường thích hợp với các bạn trai hơn.

Sinh viên làm công việc phụ bếp trong nhà hàng

Sinh viên làm công việc phụ bếp trong nhà hàng

          “Vendeur” ( bán hàng) : Bạn sẽ được học kĩ nãng sử dụng máy tính và khả nãng giao tiếp với khách hàng ở đó khi bắt đầu công việc.

          “Livreur” (đưa hàng) : công việc này dành cho các bạn trai, vì người làm công việc này sẽ phải sử dụng xe gắn máy (phân khối nhỏ) giao hàng tận nhà cho khách hàng (pizza, sushi).

Làm thêm trong cửa hàng Mc DO

Làm thêm trong cửa hàng Mc DO

3.      « Caissier(ère) » (tính tiền ở siêu thị)

Công việc này khá ổn định và không quá nặng nhọc, thường thì các bạn nữ được ưu tiên hơn khi người chủ tuyển nhân viên. Công việc này bạn nên đặt hồ sơ xung quanh các siêu thị nơi bạn sống sẽ được để được ưu tiên hơn so với những người ở xa.

4.      « Réception » (trông khách sạn)

Bạn sẽ nhận đặt phòng của khách, thu xếp phòng cho khách, đón tiếp khách thật chu đáo cho đến lúc họ rời khách sạn (có khi phải trực khách sạn buổi đêm). Công việc này vào kì nghỉ hè khi có nhiều khách du lịch, bạn rất dễ kiếm. Như vậy các bạn có thể làm việc cả ngày (temps complet 35h/semaine) → trong nămhọc không phải đi làm nữa.

5.      « Femme de ménage » (người dọn nhà)

Bạn sẽ làm việc 1 – 2 lần/tuần đối với nhà riêng và có thể hàng ngày đối với các khách sạn (tùy theo khả nãng của bạn), công việc này thường được trả lương cao hơn so với các công việc khác. Do ngay trong từ ngữ nói về việc này người Pháp họ đã dùng chữ « femme » chỉ người phụ nữ nên công việc này thường chỉ dành cho các bạn nữ.

6.       Công việc hè

Hái quả (bạn đến các vùng trồng nho làm rượu hoặc trồng những cây hoa quả làm mứt « confiture»), bán hàng… : với tất cả các công việc trong dịp này, bạn sẽ được làm trong thời gian tối đa quy định (35h/tuần) dành cho sinh viên.

viec-lam-them-hai-nho-sinh-vien-tai-phap-5

Việc làm thêm hái nho

Có một số công viêc khác : bán hàng cho các cửa hàng di động ở Disneyland, trực điện thoại, nhân viên trong các cửa hàng rửa ảnh, đi phát tờ rơi..

 

Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (  UEVF.ORG  )

read more

Ứng xử trong văn hóa Pháp

Mỗi nước có một nền văn hóa riêng, phân biệt với các quốc gia khác. Mỗi khi tiếp xúc với một nền văn hóa nào đó, ta cần phải tìm hiểu chúng để ứng xử cho phù hợp và không bị lâm vào những tình huống “dở khóc dở cười” . 

Trong cuộc sống đời thường, người Pháp luôn được đánh giá là lịch sự, trang trọng, “chau chuốt” về cả văn hóa ăn mặc, trang trí và đi đứng, giao tiếp, từ trong sân vườn, cổng ngõ cho tới ngoài đường. Người Pháp luôn có sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như tôn trọng tự do cá nhân của người khác. Họ cũng luôn tôn trọng giờ giấc và những cuộc hẹn hay những buổi làm việc, hội họp. Điều này được xem như một trong những “nguyên tắc sống” của người Pháp. Đặc biệt, người Pháp luôn tự hào về những gì họ có, nhất là văn hóa hay những nghề thủ công mà tổ tiên họ truyền lại. Từ đó, họ luôn có ý thức lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa ấy.

1. Trong gia đình

van-hoa-phap-gia-dinh

Không gian gia đình được coi trọng tại Pháp

 Người Pháp thích sự yên bình trong tổ ấm của mình.  Để tôn trọng nhau, mọi người thay phiên nhau làm những công việc nhà như làm cơm, rửa bát, giặt đồ…

Phải tôn trọng giờ giấc các bữa ăn, bất kì sự thay đổi nào như về muộn hay mời thêm người bạn vào ăn cơm cũng cần được báo trước.  Ai cũng có quyền có không gian riêng. Các bậc cha mẹ cần có khoảng riêng mà con cái không được phép vào. Không xử lý những xung đột trước mặt con cái. Phải gõ cửa trước khi vào phòng. Bố mẹ cũng tôn trọng giờ giấc và không gian riêng của con cái.

Khi cha mẹ tiếp bạn bè hay đến nhà họ, không nhất thiết con cái phải đi theo nếu không cần thiết.

2. Với hàng xóm

Như đã nói ở trên, người Pháp coi trọng sự bình yên, vì vậy ứng xử với những người hàng xóm sao cho phù hợp là điều vô cùng quan trọng.  Sảnh lớn của khu chung cư là nơi người ta chào hỏi nhau, hỏi thăm công việc, gia đình, bàn về trận bóng sắp tới hay tư vấn xem nên mua đồ dùng gì cho gia đình…

Phải để ý không gian riêng của mình không được làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.  Hạn chế đi giầy gót nhọn vào những giờ nhạy cảm, mở cửa nhà ken két, hút thuốc trong thang máy hay vứt rác của nhà mình sang nhà người khác. Bởi vậy khi có mất kì sự tụ tập hay cuộc vui nào, bạn nên xin lỗi trước vì sự ồn ào từ bữa tiệc của bạn gây ra.  Mọi xung đột đa phần được giải quyết từ 2 phía, rất ít có sự can thiệp bởi bên thứ 3. Cũng như những nơi khác, ở thành thị Pháp, đô thị lớn thường thì mối quan hệ hàng xóm sẽ không được mật thiết như ở những thành phố nhỏ, hoặc nông thôn.

3. Tại nơi công cộng

Trong thang bộ, phụ nữ và người già luôn được đi bên có tay vịn. Đàn ông đi sau và xuống trước  để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Còn khi đi thang máy thì trẻ em, người già và phụ nữ và người khuyết tật đi trước. Kèm với đó người đứng gần cửa thang máy sẽ hỏi những người còn lại xem họ muốn đến tầng nào. Pháp cũng như các đất nước văn minh khác, các công trình hay phương tiện công cộng đều rất chú ý đến người khuyết tật.

Trên đường phố phải đi đều bước theo nhịp của dòng người qua lại. Khi đi trên vỉa hè, người ta sẽ vượt người đằng trước bằng cách nhẹ nhàng lách qua bên trái, đồng thời xoay ngang người để hạn chế tối đa không gian chiếm lĩnh. Người đàn đàn ông luôn là người đi gần nhất với lề đường để bảo về cho những người già, phụ nữ và trẻ em. Sự lôi thôi khi đi ra ngoài đường như mặc đồ ngủ hay đi dép trong nhà bị coi là hành vi đáng trách và thiếu tôn trọng mọi người.

Trong rạp chiếu phim hay rạp hát, sự đúng giờ là điều lưu ý trước tiên. Người Pháp không thích sự bàn tàn trong khi đang thưởng thức các ca khúc hay các vở kịch, bởi sẽ ảnh hưởng tới người khác. Người ta vỗ tay tán thưởng khi kết thúc phần biểu diễn. Và thường thì 2 nam giới sẽ ngồi ở 2 đầu của hàng ghế.

Xếp hàng, mọi lúc mọi nơi người Pháp đều rất tôn trọng trật tự khi xếp hàng. Khi mua vé, khi vào cửa , nhất là những khu có đông khách du lịch thì thời gian xếp hàng là khá dài, họ thường có biển thông báo thời gian còn lại mà chúng ta phải đợi. Thông thường có hai hình thức 1 là đứng xếp hàng hoặc là rút số thứ tự từ máy tự động.

4. Trong sinh hoạt hằng ngày

Bisous: Nụ hôn thân mật của người Pháp

Nụ hôn má chính là nét đặc trưng thú vị của người Pháp, họ thường ôm và hôn vào má nhau khi gặp và chia tay nhau, hay khi cảm ơn mỗi khi nhận được quà. Thường thì những người trong gia đình, bạn bè thân thiết sẽ “Bisous” còn những người chưa thân hoặc đồng nghiệp cơ quan, đối tác thì bắt tay lịch sự. Và ở mỗi thành phố, mỗi vùng thì số lượng nụ hôn và má cũng khác nhau, thường thì là 1 cái vào má phải, 1 vào má trái, tuy nhiên cũng có nơi họ hôn 3 cái, hoặc 4 cái. Nếu người Pháp chủ động hôn bạn thì đừng ngại nhé, điều đó thể hiện họ rất thiện cảm và muốn gần gũi hơn với bạn.

bisou-nu-hon-phap

Trên bàn ăn

mọi người ngồi ngay ngắn và những hành động như chống khủy tay hay đặt mạnh tay lên bàn là những hành động của kẻ thiếu văn hóa. Khăn ăn được trải dọc trên 2 đầu gối. Ăn uống từ tốn và sau vài ba miếng, người Pháp lại lấy khăn lau miệng bằng 2 tay.. Không nhai ngấu nghiến, ngậm miệng khi nhai, ăn theo tiến độ chung của bàn ăn. Người ta thường gợi chuyện bằng những câu chuyện thường ngày, không mang sắc thái riêng tư. Không xoay đĩa thức ăn về phía mình hay múc đến thìa cuối cùng. Đặc biệt không nên rời bàn ăn khi rượu của bạn còn trên nửa ly. Cuối bữa, nếu là bữa ăn gia đình thì người ăn gấp một góc khăn, nếu là khách mời họ sẽ tung khăn ra để ở bên phải đĩa ăn. Dao và dĩa để mũi nhọn quay xuống dưới, thể hiện rằng mình đã dùng xong. Người Pháp dành nhiều thời gian trò truyện trên bàn ăn. Đôi khi kéo dài đến 4 hay 5 tiếng.

Thường khi người Pháp mời bạn đến nhà ăn bạn có thể đến cùng với 1 chai rượu vang cùng hoa, hoặc 1 món quả nhỏ, và ngược lại khi người pháp mang rượu đến tặng bạn thường thì bạn sẽ sử dụng luôn chai rượu đó. Người Pháp sẽ đánh giá cao việc làm đó của bạn.

Khi hút thuốc

 

van-hoa-phap-hut_-thuoc

 

Hiện nay ở Pháp thì thuốc lá đã bị cấm ở trong các nhà hàng và quán cà fe. Khi hút người Pháp phải xem trước hết nơi đó có được hút thuốc hay không. Người ta tránh hút thuốc khi ăn uống trừ những bữa ăn thân mật và được sự cho phép của người thân. Họ không dùng xì gà hay tẩu thuốc ở những nơi công cộng vì mùi của nó khá nặng.

Trước khi hút, người ta đưa điếu thuốc ra lưng chừng điếu và mời những người xung quanh, châm lửa cho họ. Phụ nữ không châm thuốc cho đàn ông. Khi có người bị dị ứng ngồi cách xa người hút thuốc, họ sẽ lịch sự bỏ điếu thuốc đang hút để tránh gây hại cho những người xung quanh.

So với các nước trong khu vực Châu âu, Pháp cũng là một trong những nước tiêu thụ rất lớn thuốc lá, dù giá một bao thuốc đã lên rất cao tầm 6~7 Euro/bao

Trong trang phục

Ăn mặc phù hợp với lứa tuổi là điều quan trọng. Khi trẻ bạn có thể mặc bất cứ loại quần áo nào. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào tính chất của những sự kiện và người ta được mời. Thường thì càng trang trọng, người ta lại diện những bộ trang phục chính thống. Một số sự kiện đi kèm theo cả chỉ dẫn “ carvat đen, váy dài” để thể hiện sự trang trọng của buổi tiệc hay buổi lễ đó. Với nam giới thì đồ càng đậm càng thể hiện sự trang trọng. Với nữ giới, sự tinh tế thể hiện ở những phụ kiện đi kèm như vòng tay, khuyên tai hay túi xách.

Trong đám tang người ta tránh những bộ đồ nổi bật, còn trong đám cưới, người ta tránh mặc đồ đen vì là màu của đám tang, và màu trắng vì nó dành cho cô dâu. Khi đi xin việc hay thi tuyển thì những gam màu trung tính được hầu hết mọi người sử dụng. Mặc đồ sang trọng hơn người tuyển dụng hay trang điểm quá đậm là những lỗi sơ đẳng mà người Pháp luôn tránh.

Khi giao tiếp bằng điện thoại

Thường thì người ta không để chuông reo quá 8 lần, không gọi lại ngay khi vừa cúp máy. Tránh gọi trước 9h và sau 21h30. Trường hợp khẩn cấp người ta mới gọi đột xuất. Người Pháp luôn từ tốn, nhã nhặn ngay cả khi bị làm phiền, bởi khi nghe điện, tất cả con người ta được thể hiện qua lời nói. Người nào gọi trước nên dập máy trước, đó là thông lệ. Người Pháp có thói quen sử dụng hộp thư thoại, khi để lại tin nhắn thoại lưu ý nói ngắn gọn và lịch thiệp.

Nhận và tặng quà

 

van-hoa-phap-tang-qua

 

Nhận và tặng quà cũng có những nguyên tắc chung. Người ta thường tặng những món quà đáp ứng mong đợi của người nhận. Ở Pháp, quà tặng sẽ được mở ngay khi nhận từ người tặng. Mỉm cười, cảm ơn, hôn Bisou ngay cả khi bạn không thích món quà đó là phép lịch sự tối thiểu. Tuy vậy với những trường hợp thân thiết hay với người yêu, bạn có thể thể hiện sự chưa hài lòng một cách nhẹ nhàng để đối phương hiểu và không mắc phải những sai lầm tương tự.

Lời cảm ơn và xin lỗi

Người phương Đông thường ngại nói lời cảm ơn cũng như lỗi sai về mình. Người Pháp luôn nói lời cảm ơn một cách rõ ràng và chân thành. Nó đi liền với từ “không” khi từ chối để giảm đi sự hụt hẫng cho người kia. Người lớn luôn dạy con cái cách nói lời cảm ơn để chúng hiểu ý nghĩa và rèn thói quen dùng nó. Nhiều khi cảm ơn từ những việc rất nhỏ như về đã tiếp họ trong cuộc gọi điên thoại hay ai đó dành thời gian tiếp chuyện mình cũng là một cách để cuộc sống trở nên thân thiện và gần gũi hơn.

Còn lời xin lỗi thường được nói ngay sau khi sự việc xảy ra, để thể hiện họ thực sự tiếc về việc mình làm và mong muốn được tha thứ. Tuy nhiên với những lỗi lớn, họ dành thời gian suy nghĩ và thuyết phục phù hợp thay vì lao ngay vào biện minh.

Có nhiều cách ứng xử trên đây mà bạn thấy quen thuộc bởi nó là những cách ứng xử phổ biến, xuất phát từ chính con người . Nhưng cũng có một số, ta ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, mà ở đây đại diện là nước Pháp. Hãy học hỏi những nét văn hóa của họ và sự dụng sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam nhé!

Mạnh Linh ( Tổng hợp từ Internet)

read more