Những cách giúp đầu óc luôn minh mẫn và sáng tạo

Hãy rời khỏi màn hình máy tính. Facebook đang là mối bận tâm lớn nhất của bạn mỗi khi vào mạng, báo online là nguồn tin tức gần như duy nhất của bạn sau rất nhiều thời gian xa cách với các nguồn thông tin từ đài và tivi. Nhưng, hãy “rũ bỏ” màn hình máy tính nhiều hơn để có thời gian dành cho những việc khác.

Thực tế là thời gian chạy chậm hơn rất nhiều ở ngoài đời sống hơn là trên máy tính nên nếu không rời được màn hình máy tính, bạn sẽ không thể có thời gian đi tập gym với đám bạn gái hay làm những công việc giải trí khác. Nếu “ngụy biện” rằng bạn đang online để tìm hiểu thông tin thì không có giải pháp nào tốt hơn bằng việc khăn gói lên thư viện trường để tìm thông tin từ các tài liệu chính thống. Từ đầu năm học thầy cô đã cho bạn một số đầu sách tham khảo chuyên ngành? Hãy tận dụng lí do này để rời máy tính và đi thư viện.

Nếu muốn dọn sạch những áp lực thi cử, đứng dậy xách giỏ đi siêu thị cũng là một trong những cách giảm stress hiệu quả của du học sinh.

Đi uống café. Đi uống café sẽ mang lại cho bạn một không gian mới mẻ để có thể khơi nới những ý tưởng mới toanh trong đầu. Ở nước ngoài, gần như mỗi quán café là thành quả của rất nhiều cá tính sáng tạo của mỗi chủ nhân, giúp bạn tìm thấy những ý tưởng trẻ trung, thậm chí còn rất… chịu chơi. Quán Latei ở Amsterdam được ví như “nhà kho của mọi nhà kho” khi gần như tất thảy mọi thứ trong quán đều là đồ cũ mang hơi hướm vintage, hễ món hàng second-hand nào đó “lọt mắt xanh” bạn trong lúc uống café thì bạn cũng có thể mua chúng. Thật ra những chuỗi café “mì ăn liền” cũng không hề thiếu tính sáng tạo đâu nhé, bằng chứng là sinh viên nước ngoài thường có thói quen kéo nhau ra Starbucks hay Coffee Company để làm bài tập nhóm.

Đừng ngại bắt chuyện người lạ. Trên phim ảnh, một người nào đó không quen thuộc đôi khi lại có những tác động rất lớn đến cách bạn nhìn nhận cuộc sống hay tháo gỡ những nút thắt của hiện tại. Vì thế, hãy để ý nhiều hơn đến xung quanh và nhất là những câu chuyện mà mọi người đang trao đổi nhau: đám các khách hàng ngồi trong nhà hàng, ông già râu bạc ngồi cùng băng ghế trong công viên, cô lao công quét trường… Cách hay nhất là hãy mỉm cười chào với một ai đó mà bạn cũng cảm thấy đang có nhu cầu trò chuyện.

Kết thúc một công việc gì đó còn dang dở. Bạn sẽ không thể để đầu óc thảnh thơi trước khi bắt tay vào một nhiệm vụ nào đó nếu cứ lấn cấn vì một công việc nào đó còn dang dở. Chính vì thế, hãy cố gắng làm cho xong một trong những công việc khả thi nhất (trong số những công việc tồn đọng) mà bạn có thể làm ngay hôm nay. Đôi khi những công việc dở dang cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công việc chung nên tốt nhất là đừng trì hoãn nhiệm vụ của bạn nữa. Chẳng hạn khi làm video cho môn Vấn đề ở thế kỉ 21 của Xã hội châu Âu hồi còn là sinh viên tại The Hague University of Applied Sciences (Hà Lan), Minh Trang đã gặp rắc rối vô cùng vì đã đến ngày dựng video mà các đoạn clip vẫn chưa được hoàn thành.

Làm một việc quái chiêu nào đó, hay ít nhất là hãy tham gia vào một trò khác thường (thậm chí đáng sợ) nào đó do những người bạn thân phát động: Đạp lên rồi lại đạp xuống con dốc ngay gần nhà, mặc quần trong váy, tham gia hát karaoke trong một chương trình “hát cho nhau nghe” giữa trung tâm thương mại hay chủ động xin số anh chàng điển trai lớp bên cạnh chẳng hạn.

Về với thiên nhiên. Chỉ những ai đã từng học tập hay sinh sống ở một siêu đô thị mới hiểu được giá trị của một khoảnh vườn nho nhỏ hay không khí tươi mới nơi đồng xanh. Sau những cuộc đi chơi về những khoảng xanh hiếm hoi đó, tinh thần của bạn chắc chắn cũng sẽ được “thanh lọc” rất nhiều, sẵn sàng cho những trải nghiệm mới mẻ khác. Chính vì thế, ngay từ cuối tuần này hãy nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi picnic cùng đám bạn cùng lớp ở ngay công viên trung tâm hoặc đạp xe đi thăm ngôi làng ở ngay cạnh cũng là một cách hay.

Trang ami

 

read more

Những kỹ năng sẽ giúp bạn “sống sót” khi đi du học

Đi du học, ngoài việc trang bị kĩ lưỡng về tài chính và tinh thần tự lập, bạn còn phải có một số kỹ năng sống quan trọng nữa.

Kỹ năng chọn bạn

Ở môi trường nước ngoài, việc có một người bạn đã khó, nhưng chọn đúng bạn lại là việc khó hơn. Có những người bạn chơi rất hợp nhưng khi học chung lại không hề có cùng quan điểm hay thái độ cộng tác. Chính vì thế, không tính những lần học nhóm hay thuyết trình đầu tiên (mang tính “xé nháp”), bạn nên chịu khó quan sát và chọn ra cho mình một người bạn tiềm năng để rủ họ cùng làm việc.

Đối với những người bạn không nghiêm túc khi học nhóm chung (trễ hạn nộp, không chịu làm bài…) bạn nên cứng rắn thẳng thắn nói chuyện với họ hoặc nhờ đến trợ giúp của giảng viên.

Cuối cùng, có một sự thật cần lưu ý là ở nơi nào có nhiều sinh viên quốc tế thì nơi đó dễ kết bạn và không khí học tập cũng cởi mở hơn nhiều những nơi có toàn sinh viên bản địa. Tóm lại, để có được cảm tình của tất cả, ngay từ đầu bạn hãy thân thiện mỉm cười hay chào hỏi tất cả mọi người xung quanh.

Kỹ năng nói không

Sinh viên nước ngoài, đặc biệt những bạn bè đến từ các nước châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Địa Trung Hải thường rất “chịu chơi”. Họ có lẽ là những sinh viên quốc tế ham tiệc tùng nhất mà bạn sẽ gặp. Chính vì thế, khi kết bạn với họ, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm thế nói “Không” trước một số cuộc vui quá đà, đặc biệt là khi những party này ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc làm thêm hay quan trọng nhất là việc học của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng phải biết mình biết ta trong khâu mua sắm, đặc biệt là với các du học sinh nữ. Nếu tháng này bạn đã cạn tiền ăn và ở nhà cũng không còn lương thực khô trữ sẵn, hãy thẳng thừng nói không với cái váy lung linh ở bên trong cửa kính! Liệu pháp tinh thần tốt nhất của khoảnh khắc đó là bạn nên biết chiếc váy sẽ được bán với giá rẻ hơn 50% trong mùa sales tới, và nếu mua nó lúc này bạn sẽ trở thành một kẻ “đã vô sản rồi còn bị mua hàng… hố”. ;-)

Kỹ năng lập trình công việc nhà

Đi du học, bạn sẽ phải đạo diễn từ A đến Z công việc nhà. Điều này là cực hình không chỉ của du học sinh Việt mà còn với sinh viên quốc tế. Nhưng yên tâm là một khi có đầu óc tổ chức một chút, bạn sẽ thấy những việc này cũng không tốn thời gian lắm đâu.

Chẳng hạn, nếu nhà bạn không có máy giặt và thường phải dành hẳn một buổi sáng chủ nhật để đi giặt sấy ở phòng giặt công cộng trong thành phố. Hãy xách cả vali đồ bẩn vào khu kí túc xá ngay trong khuôn viên trường Đại học vào chiều thứ tư, ngày bạn thường đi thư viện học bài. Như vậy, áo quần của bạn vẫn được giặt giũ trong khi bạn ngồi thư viện và sáng chủ nhật của bạn vẫn được trả lại cho “khổ chủ”.

Nếu sống chung với bạn bè quốc tế, bạn nên thống nhất việc dọn dẹp nhà chung vào cuối tuần. Cứ đến giờ đó thì làm theo đúng nguyên tắc. Về chuyện bếp núc, bạn có thể nấu vào buổi tối hôm trước để chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa hôm sau, hoặc cũng có thể cắm cơm từ sáng trong lúc tắm để tối về nhà khỏi phải tốn thời gian cho việc này.

Từ khóa của kỹ năng này căn bản là n trong 1, hô biến bạn thành một người linh động.

Kỹ năng thức khuya dậy sớm

Nhiều du học sinh không thể thu xếp thời gian tự học vào ban ngày (vì lí do bận học ở trường hoặc đi làm thêm) nên nhiều bạn đã chọn thức khuya làm bài. Đặc biệt là vào kì thi, tần số thức khuya càng diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ôn bài, bạn không nên ngồi gần cái máy tính (có kết nối Internet) và cũng đừng nên ngồi quá gần chiếc giường êm ái! Cách duy nhất để giải quyết tình trạng thức khuya học bài là phải thiết kế lại thời gian biểu giữa việc làm thêm và học tập.

Còn một khó khăn nữa là việc phải dậy sớm đi học vào buổi sáng. Du học sinh không phải ai cũng có cơ hội ở ngay trong khu kí túc xá Đại học, chính vì thế nhiều người phải trải qua một quãng đường dài hàng tiếng đồng hồ bằng phương tiện công cộng để đến trường. Vào mùa Đông, việc đấu tranh nội tâm giữa việc “đi học hay ngủ tiếp” vì thế cũng xảy ra thường xuyên hơn. Vào những lúc đó hãy nghĩ rằng buổi học hôm nay cũng quan trọng như khi có bài kiểm tra, hoặc “chỉ cần bước ra ngoài trời tuyết mình sẽ hết buồn ngủ ngay”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, bạn nên lưu ý việc chọn thuê nhà ngay từ đầu sao cho thuận tiện cả việc đi học lẫn làm thêm.

Chúc các bạn một mùa Đông du học không-vắng-buổi-học-nào nhé!

Trang ami

read more

Làm thế nào để hạ knock-out nỗi nhớ nhà?

Đi du học, thời gian đầu lúc vừa sang tới nơi, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Trong đó, “ghê gớm” nhất là nỗi nhớ nhà và người thân đến nỗi bạn chỉ muốn vứt bỏ tất cả để quay về. Vậy phải làm thế nào để đối mặt với nỗi nhớ khủng khiếp đó?

Mang người thân theo cùng!

Tất nhiên là bạn không thể mang tất cả những người thân của mình theo hành trình du học theo đúng nghĩa đen rồi. Nhưng, bạn hoàn toàn có thể tạo cho mình cảm giác thân quen bằng những món đồ kỉ niệm quen thuộc. Hãy dán những tấm ảnh sticker ngộ nghĩnh vào cuốn sổ tay, để khung ảnh gia đình ngay đầu giường.

Những kỉ vật này tuy nhỏ nhưng có sức mạnh vỗ về lớn lắm đấy. Mỗi lúc “chùng chân mỏi gối”, hãy nhìn vào tấm ảnh gia đình để tiếp thêm động lực “chiến đấu” cho bản thân.

Liên tục cập nhật về cuộc sống mới

Mọi người ở nhà hẳn rất quan tâm đến cuộc sống mới của bạn. Vì thế, hãy chăm chỉ chia sẻ, cập nhật thông tin, hình ảnh về những điều mới mẻ trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi dòng tin ngộ nghĩnh sẽ giúp bạn nối liền khoảng cách với người thân bằng từng lời nhận xét, cái nhấn “like” trên Facebook. Cách làm này sẽ  khiến bạn thêm yêu quý cuộc sống của mình, tiếp thêm động lực bước đi trên chặng đường sắp tới.

Hãy bắt đầu mở một album ảnh về đời sống du học ngay trên Facebook. Sau này khi nhìn lại những tấm ảnh này, bạn sẽ thấy được mình đã trưởng thành hơn thế nào.

Rời khỏi nhà và kết bạn

Hãy tìm đến những người bạn quốc tế vốn rất cởi mở và thân thiện. Nếu là một người bạn đồng cảnh ngộ, họ chắc chắn cũng đang cần một người bạn mới để chia sẻ. Nếu đó là một người bạn đã có kinh nghiệm sống xa nhà, họ sẽ giúp bạn hòa nhập với cuộc sống bản địa bằng những thông tin hữu ích: địa chỉ ăn uống giá rẻ cho sinh viên, quảng trường nơi các hoạt động chính vẫn thường diễn ra hay một Câu lạc bộ thú vị nào đó.

Hãy tham gia vào hội “đồng hương” trên các trang mạng Xã hội cùng những du học sinh khác ngay từ trước khi sang. Quan trọng là, đừng bỏ qua những chương trình chào đón sinh viên quốc tế (ngày lễ cửa mở, ngày lễ đón tân sinh viên, ngày di sản châu Âu…) của nhà trường, hội sinh viên và thành phố du học.

Xuống đường khám phá

Đã đến lúc bắt tay vào kế hoạch trở thành thổ địa của thành phố du học. Hãy bắt đầu bằng việc ghé thăm văn phòng du lịch của thành phố và hỏi xin thông tin, bản đồ về những điểm đến nổi tiếng. Sau đó, vào mỗi cuối tuần, bạn có thể dành ra một ngày để khám phá về những khu phố cụ thể.

Tuy nhiên, khám phá một nơi chốn không phải chỉ là đặt chân đến con đường đó, chụp ảnh lưu niệm rồi thôi. Bạn nên đọc thêm sách tham khảo về văn hóa, lịch sử, kể cả các sách du lịch để có thêm nội dung thú vị. Một cách vô cùng hữu hiệu nữa là chủ động bắt chuyện và bước vào các cửa hàng để quan sát, hỏi thăm người dân địa phương. Trong phim ảnh, chẳng phải Julia Roberts đã khởi đầu cuộc khám phá Notting hill không-hồi-kết của mình sau một lần chứng kiến anh chủ hiệu sách đẹp trai William Thacker xử lí một tên trộm sách đó thôi.

 

Và cuộc khám phá của bạn chỉ mới vừa bắt đầu…

Trang ami

read more

Những chủ đề nhạy cảm không nên đề cập với bạn bè quốc tế

Điều tuyệt vời nhất khi đi du học là bạn sẽ được làm quen kết bạn với nhiều người bạn nước ngoài, hứa hẹn nhiều khám phá văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để duy trì được một mối quan hệ tốt, bạn cần lưu ý tránh đề cập những chủ đề dưới đây vào lần gặp đầu tiên.

 

Tôn giáo và chính trị

Đây có thể được xem là hai đề tài được liệt vào hàng cấm kị khi chuyện trò với người lạ. Cái tôi chính trị và tôn giáo của mỗi người vô cùng khác biệt và niềm tin của họ vào cái tôi của chính mình có thể nói là vô cùng vững bền. Ở nước ngoài, ngay cả cha mẹ và con cái vẫn có những khác biệt về quan điểm chính trị. Mỗi người đều có tự do trao gửi niềm tin cho bất kì tôn giáo, đảng phái nào. Nếu muốn tranh cãi vấn đề Tây Tạng hay biển đảo với các bạn Trung Quốc, tốt nhất là hãy chờ đến giờ Khoa học chính trị hay Quan hệ quốc tế với sự có mặt của “trọng tài” thầy/cô giáo.

 

Tiền bạc

Có một cái tật của người Việt mình là hay hỏi thăm nhau về lương bổng, dù ai cũng hiểu rằng đó là vấn đề hoàn toàn cá nhân. Nếu gặp người dễ tính, họ có thể sẽ nghĩ rằng bạn quan tâm đến họ và sẽ cho bạn câu trả lời, nhưng gặp người đa nghi thì sẽ không loại trừ khả năng họ nghĩ bạn là kẻ tò mò tọc mạch. Khi đối phương cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bạn về chuyện học bổng, lương bổng, thì họ sẽ tự nói ra với bạn trước.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là giá trị các món đồ của người đó, nhưng tránh phán xét. Bạn có thể hỏi những câu chung chung, chẳng hạn: “Một chiếc Ipad Mini mới nhất là bao nhiêu nhỉ”, chứ đừng nên nhìn chằm chằm vào Ipad của họ rồi nhận xét: “Bạn hẳn có rất nhiều tiền nên mới sắm được cái này”.

 

Các câu hỏi về số đo, tuổi tác

Người phương Tây rất ít khi hỏi tuổi của nhau và điều này có thể xem là thiếu lịch sự đối với một cuộc họp đầu tiên (đặc biệt là với phụ nữ). Lí do đơn giản vì họ không thích tạo cơ hội cho bạn đưa ra những đánh giá, phán xét về diện mạo so với tuổi tác. Còn lí do sâu xa là vì những khác biệt về tuổi tác không thực sự ảnh hưởng đến việc giao tiếp (không lằng nhằng như tiếng Việt mình mà chỉ có You và I) nên họ chẳng cần phải quan tâm đến vấn đề này. Đối với người Tây phương, con người ở độ tuổi nào cũng xứng đáng được tôn trọng như những người trưởng thành với nhau – kể cả đó là với một cậu bé mới vừa lên 5. Để biết được tuổi thật của họ, cách hay nhất là đừng đề cập gì đến điều này trong lần đầu gặp gỡ. Chờ đến khi mối quan hệ đủ độ thân thiết và bạn đã trở thành bạn của nhau trên Facebook, khi đó bạn sẽ biết họ bao nhiêu tuổi mà không cần mở miệng ra hỏi :).

Còn cân nặng, chiều cao và nhất là số do 3 vòng của phụ nữ chắc chắn cũng là những điều chẳng người nước ngoài nào muốn chia sẻ với một người lạ mới gặp. Nếu gặp một người khổng lồ trên 2 mét, những người thấp bé nhẹ cân hay mập quá khổ thì câu hỏi của bạn sẽ khiến họ thêm tự ti về ngoại hình.

Trang Ami 

read more

Gặp nữ sinh đoạt giải Sinh viên xuất sắc của Hội SVVN tại Pháp

(Dân trí) – Cùng lắng nghe chia sẻ của Nghiêm Hà Giang, cô nữ sinh đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, người đoạt giải sinh viên xuất sắc của UEVF năm 2012.

Chào bạn, chúc mừng bạn về những thành tích xuất sắc trong học tập và được giải thưởng Sinh viên xuất sắc. Bạn có thể chia sẻ với độc giả đôi chút về bản thân?

Mình là Nghiêm Hà Giang, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ năm thứ nhất chuyên ngành Viễn thông tại trường Đại học Lille 1, nước Pháp.

 

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Giang với bạn bè Việt Nam tại Pháp

Con đường bạn đến với nước Pháp như thế nào?

Theo học chương trình song ngữ Pháp – Việt từ năm lớp 1 đến hết lớp 12, văn hóa Pháp, tiếng Pháp đã gắn liền với tuổi thơ, theo suốt tuổi học trò của mình. Với quá trình tiếp xúc lâu như thế thì lựa chọn đến với nước Pháp để tiếp tục học Đại học, đối với mình, như là một điều hiển nhiên vậy.

Không ít bạn trẻ Việt Nam đã gặp phải những “cú sốc” khi chuyển tới học tập và sinh sống ở một đất nước xa lạ. Với bản thân bạn, khó khăn của bạn là gì khi bắt đầu hành trình du học?

Khó khăn thì ắt là ai cũng sẽ gặp phải rồi. Một cuộc sống hoàn toàn khác so với trước, xa gia đình, đối với đa số mọi người đều không đơn giản. Với mình cũng vậy. Nhưng có lẽ may mắn hơn nhiều người là mình có được sự tiếp xúc toàn diện với văn hóa Pháp từ sớm, nên không vấp phải “sốc văn hóa”.

Nhưng những “cú sốc” khác thì mình không tránh khỏi. Du học là lần đầu tiên mình xa bố mẹ đến như thế. Xa về cả không gian lẫn thời gian. Thời gian đầu, cảm giác nhớ nhà luôn thường trực: mỗi buổi sáng ngủ dậy, mỗi bữa cơm, mỗi khi gió lạnh không có người nhắc mình phải mặc ấm… Nhưng ưu điểm của con người là sự thích nghi mà đúng không? Sau 1 thời gian thì mình đã lấy lại cân bằng để thích nghi với môi trường mới, bạn bè mới và tập trung vào học hành.

 

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Giang tham gia tổ chức Tết ở Rennes

Hãy chia sẻ kinh nghiệm để có thể đạt kết quả học tập tốt như bạn?

Mình cũng không có kinh nghiệm gì đặc biệt đâu. Mình thấy để có kết quả cao thì sự chăm chỉ là quan trọng nhất. Thiên tài cũng có đến 99% là nhờ vào sự chăm chỉ nên mình dù không có được 1% thiên bẩm vẫn có thể lấy sự chăm chỉ để bù vào. Ngoài ra thì nếu có thể sắp xếp khoa học thời gian học các môn cũng giúp rất nhiều cho việc nhớ lâu, đặc biệt quan trọng đối với những người học bên khoa học với rất nhiều công thức cần ghi nhớ như mình. Trước mỗi kì thi, mình luôn thả lỏng đầu óc, đi dạo hoặc chơi trò chơi ưa thích, nó giúp mình bớt căng thẳng và thấy tự tin hơn.

 

Bạn nhận thấy môi trường học tập ở Pháp thế nào? Có điểm gì tích cực hoặc khác biệt so với môi trường học ở trong nước?

 

Đối với mình thì môi trường học tập ở Pháp rất tốt. Như ngành mình đang theo học, mỗi học kì mình học 6 môn học chính. Thời gian của mỗi môn được chia đều để học lí thuyết, làm bài tập và thực hành. Kỹ năng làm việc nhóm và tự học của học sinh cũng được đề cao với các đề tài xuyên suốt cả học kì. Các thầy cô giáo thì rất nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn và giải đáp mỗi khi sinh viên có câu hỏi.

 

Mình đi du học từ sớm, không có cơ hội trải nghiệm cuộc sống giảng đường ở Việt Nam nên không có gì để so sánh, đó cũng là thiệt thòi của mình so với bạn bè đồng trang lứa.

 

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Chân dung bạn Nghiêm Hà Giang

Một ngày của bạn như thế nào? Bạn thường làm gì trong lúc rảnh rỗi?

Một ngày bình thường của mình đơn giản đến đơn điệu (cười). Lịch học của mình khá kín. Mình sẽ ở trường từ 8h-18h những ngày học, buổi tối về cũng không có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Còn nếu là ngày nghỉ, có thời gian một chút thì mình thích vào bếp, nấu các món ăn Việt Nam hoặc làm một cái bánh thật bự mời bạn bè.

Dự định của bạn sau khi kết thúc khóa học? bạn có trở về nước để lập nghiệp? Bạn có thể chia sẻ với bạn đọc ước muốn và kế hoạch của mình trong tương lai?

Sau khi kết thúc khóa học về Viễn thông, mình muốn học thêm một chút về quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp trước khi chính thức tìm việc làm. Sau đó, mình muốn tìm một công việc ngắn hạn tại Pháp hoặc một nước khác để có thể tìm hiểu về môi trường làm việc quốc tế cũng như hiểu biết về các công nghệ viễn thông của các nước phát triển. Tương lai xa thì chắc chắn mình sẽ trở về Việt Nam, viễn thông ở Việt Nam vẫn đang là một lĩnh vực nhiều tiềm nãng có thể khai thác được.

Lời khuyên của bạn dành cho các bạn trẻ đang có ý định du học Pháp?

Mình muốn nhắn nhủ (chứ cũng không dám khuyên đâu nhé) tới các bạn đang có ý định du học Pháp đó là cần tìm hiểu thật kĩ về ngành, về trường thậm chí là cả thành phố mà bạn muốn theo học. Hiện nay thì mọi thông tin đều có thể tìm thấy đơn giản thông qua các trang xã hội, trang web, báo chí… là một thuận lợi lớn cho các bạn khi tìm kiếm thông tin. Ngoài hành trang kiến thức thì sự tự tin cũng sẽ là một bí quyết cho sự thành công trên con đường du học xứ người đấy!

Cảm ơn bạn về cuộc phỏng vấn và chúc bạn sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

 

Bài: Nguyễn Mạnh Linh

Ảnh: NVCC

read more

Thiết kế một chuyến du lịch học hỏi

Vào tháng 11 trở đi, giới trẻ Pháp thường rục rịch chuẩn bị cho những chuyến « voyage d’étude » (du lịch học hỏi) thường diễn ra vào kỳ nghỉ Đông vào tháng hai hoặc vào kỳ nghỉ Xuân vào tháng tư năm sau.

Mò đường ở London - Photo credited to Trang Ami

Mò đường ở London – Photo credited to Trang Ami

 

Muốn gây quỹ thì ra… hành lang trường!

Sự khác biệt giữa những chuyến du lịch học hỏi với các chuyến tham quan bình thường là bọn tớ sẽ được đi du lịch theo chủ đề (tham quan các công trình kiến trúc mới lạ của thành phố Bilbao, chuyến tham quan vì hòa bình…) Thông thường, những chuyến du lịch học hỏi kéo dài từ 3 đến 4 ngày nên chi phí cũng chát hơn so với những chuyến đi tham quan sáng đi chiều về của teen Việt.

Ba nguồn kinh phí chính sẽ được « rót » vào quỹ chung là hỗ trợ của nhà trường, phí tham gia của mỗi học sinh và khoảng tiền do ban tổ chức tự xoay xở để điền vào chỗ còn thiếu. Những teen trong ban tổ chức sẽ phải tự thân vận động gây quỹ, phổ biến nhất là tổ chức party có bán vé vào cửa và bán bánh mì sandwich vào giờ nghỉ trưa. Với nhiệt độ khắc nghiệt xuống tới 3,4°C của mùa Đông châu Âu, việc dựng sạp bán bánh mì như ở Việt Nam mình là hoàn toàn bất khả thi. Chính vì thế, các thầy cô đã bật đèn xanh cho phép học sinh đứng bán ngay trong hành lang trường, tận dụng luôn bàn ghế của phòng giáo viên ngay kế bên để trưng bày hàng hóa.

Năm nay, mấy cô bạn tớ quyết định sẽ làm bánh crêpe và bán phiếu chơi sổ xố với giá 2€/vé. Cứ đến cuối tuần, nhóm tổ chức lại ôm hộp giấy và xấp vé đi khắp các khu phố cổ nơi trung tâm thành phố để chào bán mấy tấm phiếu-sổ-xố-nhà-làm. Để bán được nhiều vé, các bạn ấy còn gõ cửa từng cửa hàng để xin tặng phẩm: bánh kẹo, chocolat, vé xem phim khuyến mãi… dành để làm quà cho người mua vé số. Cô bạn Camille nhiệt tình thông báo trước lớp: «Tớ sẽ mang thiệt nhiều vé số về nhà bán cho bố mẹ, hàng xóm và cả ông tớ nữa. Sau đó tớ sẽ nhờ ông đi giới thiệu với mấy ông bạn thân. »

Du lịch kiểu « chính trị gia » 

Bố tớ vẫn hay nói đùa rằng những chuyến du lịch theo tour chẳng khác gì du lịch kiểu… lùa vịt, người ta lùa đến đâu mình phải đi tới đó và chẳng được thoải mái tự do thăm thú. Nhưng đó là phán xét dành cho những chuyến du lịch tham quan nghỉ dưỡng mà thôi. Du lịch học hỏi không phải tùy hứng là được đâu nhé!

Nhà thờ Đức Bà Paris - Photo credited to Trang Ami

Teen Pháp đa số đều rất hào hứng với hình thức du lịch « kín lịch chẳng khác gì một chính trị gia » này. Trong chuyến « voyage d’études » đến London cách đây hai năm với chủ đề « Tham quan, trò chuyện những trụ sở truyền thông lớn ở London », mỗi buổi bọn tớ đều có chương trình đến thăm một cơ sở truyền thông nào uy tín: tòa soạn báo The Guardian, Bảo tàng quảng cáo, tham quan sân vận động Emirates và trò chuyện với bộ phận truyền thông báo chí của Câu lạc bộ Arsenal, gặp gỡ với các nhân viên phòng truyền thông của Đại sứ quán Pháp tại Anh… Rõ ràng, nếu là một khách du lịch đơn độc và không có sự hậu thuẫn của nhà trường, chắc chắn bọn tớ sẽ không có cơ hội đặt chân đến những trụ sở chuyên nghiệp kể trên.

Tất nhiên bọn tớ cũng không phải răm rắp làm theo 24/24 những chuyến tham quan gặp gỡ « sặc mùi chữ nghĩa » này. Ban tổ chức, vốn là những người bạn trạc tuổi, nên họ cũng khá tâm lý trong khâu lên chương trình, vì thế bọn tớ đã có vài ba buổi được tự do đi đâu thì đi tùy thích. Đây chính là cơ hội để bạn « cá nhân hóa » chuyến du lịch học hỏi của mình. Nhóm Sabria nhất định phải đi thưởng thức bữa-ăn-sáng-kiểu-Anh (English breakfast), trong khi Emy thì nằng nặc tìm đường đi coi London bridge nổi tiếng còn Julie lại rủ rê tớ đi uống thử một ly café lần đầu tiên trong đời ở Starbucks. Đến tối, tất cả mọi người sẽ hẹn nhau xuống khu vực nhà ăn của khách sạn để cùng chơi trò « Nói thật hay làm theo mệnh lệnh », hoặc đơn giản chỉ là cùng nhau bàn bạc về kế hoạch của hành trình của ngày mai.

 

Một chuyến du học đích thực 

Du lịch học hỏi thực ra bản chất hệt như một chuyến du học ngắn ngày, nhưng thay vì phải ăn uống kiêng khem để tiết kiệm, bọn tớ lại được ăn nhà hàng, ở khách sạn và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu, tại những điểm tham quan bình thường treo bảng « không phận sự miễn vào ».

Ok, bạn có thể phản bác rằng du lịch học hỏi chỉ tổ tốn tiền, trong khi những thông tin nhận được thì đầy rẫy trong sách vở, trên Internet. Nhưng tin tớ đi, chỉ những cuộc trò chuyện trực tiếp với những nhân vật sống động mới chứa đựng những thông tin « đằng sau cánh gà » hấp dẫn mà bạn không thể đọc được ở bất kì đâu (với lí do « lưu hành nội bộ »).

Trong chuyến The Guardian, khi biết bọn tớ đang học Truyền thông, cô nhân viên đã đổi hướng từ giới thiệu lịch sử hình thành tòa báo để nói về sự quan trọng của nội dung trang bìa. Hôm đó, cô đã lấy ví dụ về việc The Guardian đã phải đổi đi đổi lại những đề xuất trang nhất nào sau khi xảy ra sự kiện 11/9.

Hay, trong chuyến tham quan sân vận động Emirates, bọn tớ đã được cho phép thăm khu vực làm việc của giới báo chí, nơi thường tổ chức họp báo của CLB Arsenal và cả… khu vực thay đồ của các cầu thủ! Cũng trong chuyến đi đó, bọn tớ mới biết được trò giải trí của các cầu thủ Arsenal sau giờ ra sân chính là trò đá banh bàn! Nếu không đến thăm Emirates, có lẽ tớ cũng chẳng thể hình dung được bộ phận truyền thông của CLB lại có một anh chàng nhân viên bị cà lăm (vì tớ vẫn luôn nghĩ rằng những người bị cà lăm thì không thể làm truyền thông được, nhất là làm những nhiệm vụ cần phát biểu thường xuyên).

Chính những chuyến du lịch học hỏi càng giúp tớ nhận ra có những niềm tin lâu nay sắt đá nhưng lại hóa sai lầm. Và sẽ là sai lầm lớn nhất của tớ nếu từ chối chuyến du học ngắn ngày đến Amsterdam vào năm sau. Tớ tin rằng, dù đã đến thăm Amsterdam hơn 5 lần rồi, thì những bài học sắp tới chắc chắn sẽ thiệt nhiều khác biệt.

TRANG AMI  www.trangami.com

Tip tip cho việc tổ chức một chuyến du lịch học hỏi

–         Bạn có thể khởi động bằng những chuyến du lịch học hỏi ngay trong nước.

–         Phải có ít nhất 2 đề xuất về điểm đến để mọi người bình chọn.

–         Chuyến đi chỉ nên có một chủ đề xuyên suốt duy nhất

–         Kế hoạch chi tiết về chuyến đi phải được trình lên nhà trường vào đầu năm học

–         Chương trình gây quỹ có thể khởi động sau kì kiểm tra giữa học kì I

–         Không nên tổ chức hơn 50 người/ chuyến đi

–         Cuôi cùng, đừng ngại ngần liên hệ với những trụ sở nghe-toát-mồ-hôi- hột. Tớ tin rằng nếu có một kế hoạch cụ thể, chuyên nghiệp và nhiệt tình thì… số 5 Hòa Mã cũng sẽ sẵn sàng rộng cửa đón bạn đến « du lịch học hỏi » thôi!

read more

Nước Pháp, nơi cơ hội chia đều cho tất cả

Tại Pháp, khi bạn đi làm được, bạn đóng thuế, khi bạn mất việc, bạn sẽ được xã hội bù đắp lại trợ cấp thất nghiệp 70% lương của bạn trong 2-3 năm tùy đối tượng. Đó là lẽ công bằng

Tác giả trong một buổi topographies
Tác giả trong một buổi topographies. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhớ lại một ngày đẹp trời cũng đầu tháng 6 của 5 năm về trước, tôi bén duyên với nước Pháp khi vô tình đọc được thông báo tuyển sinh của một trường Kỹ sư Pháp dán trên bảng thông tin của trường mình, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.

Riêng với tôi, một học sinh học 12 năm chương trình tiếng Anh thì nó rất mơ hồ khi nghĩ về một Giấc Mơ Pháp. Ai cũng nghĩ du học châu Âu rất tốn kém nên không có nhiều học sinh hứng thú với thông báo ấy dù rằng tuyển sinh không yêu cầu biết tiếng Pháp vì chương trình đào tạo tiếng Anh trong 2 năm đầu song song với học tiếng Pháp với thầy cô bản xứ.

Khi quyết định đi, bạn bè đều cho rằng tôi khùng vì đã học chuyên ban D, ngoại ngữ là tiếng Anh, lại dám đi Pháp học ngành xây dựng bên ban A. Tuy nhiên, dù là học tiếng Anh, nhưng ngoài giờ học, cuộc sống quanh tôi mọi người nói tiếng Pháp. Vì thế, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ, khiến mình dễ rơi vào tự kỷ, cô lập bản thân với thế giới rồi dẫn đến chán học.

Nói chính xác hơn, du học, việc đầu tiên cần là học cách vượt qua bản thân mình, vượt qua những bức tường tâm lý ấy. Thật sự mà nói thì năm đầu tiên là khó nhất khi vừa phải tiếp thu kiến thức của hai năm đại cương cùng với việc học tiếng Pháp. Lúc ấy tôi chỉ ước có bánh mì chuyển ngữ của Doraemon để phá bỏ rào cản đáng ghét ấy!

Chút từng chút, như một đứa trẻ bập bẹ tập nói, được thầy cô, bạn bè người Pháp giúp đỡ, tiếng Pháp cũng tang dần lên. Người Pháp thật sự rất thân thiện, gần gủi và tốt bụng. Kết quả sau 5 năm, không phải mình tôi, mà còn nhiều bạn người Việt của tôi cũng đã chủ động tìm được việc và làm trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Điều tôi muốn nói ở đây, tôi, một người học 12 năm tiếng Anh, nước Pháp vẫn cho tôi cơ hội học tập, hòa nhập và tiến thân. Nước Pháp, cơ hội chia đều cho tất cả là như vậy! Bạn, tôi và tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, nếu thật sự bạn có quyết tâm, có chí cầu tiến lập thân, đóng góp cho xã hội, nước Pháp luôn chào đón.

Hầu hết đa số bạn trẻ Việt Nam đều theo xu hướng học tiếng Anh, Hoa, Hàn để có thể kiếm được một công việc tốt trong một công ty liên doanh quốc tế nào đó. Vì thế, tiếng Pháp dần chìm vào quên lãng. Riêng đối với tôi, có lẽ, tôi đã đi ngược dòng thế hệ mình… bỏ tiếng Anh qua học tiếng Pháp, nhưng cũng nhờ đó, tôi hiểu rằng nước Pháp chưa bao giờ lỗi thời.

Ở Pháp, trắng, đen, đỏ, vàng, không phân biệt màu da, sắc tộc,
Ở Pháp, trắng, đen, đỏ, vàng, không phân biệt màu da, sắc tộc, cơ hội được chia đều cho tất cả. Ảnh do tác giả cung cấp.

Pháp là quốc gia đa sắc tộc, nhiều màu da, nhưng họ chung sống trong hòa bình và quyền lợi được chia đều, thật là một giấc mơ đẹp mà tôi gọi nó là giấc mơ Pháp.

Để hệ thống an sinh xã hội và y tế của Pháp được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá là nước chăm sóc sức khỏe toàn diện tốt nhất thế giới, ta không thể bỏ qua sự hoạt động hiệu quả của quỹ trợ cấp xã hội chính phủ Pháp CAF.

Tre già măng mọc, vì thế nên phụ nữ, trẻ em, sinh viên học sinh là những người được xã hội lo chu đáo theo đúng tinh thần phát triền bền vững cho tương lai.

Trẻ con sanh ra người mẹ còn được nhận tiền thưởng, trang thiết bị y tế tối tân, bảo hiểm lo trọn gói, không tốn kém nhiều chi phí, mà trẻ còn được chính phủ chu cấp đến 18 tuổi.

Sinh viên quốc tế vẫn được hưởng trợ cấp như các bạn cùng trang lứa người Pháp. Một chính sách tôi nghĩ khó có thể kiếm được một quốc gia tư bản nào trên thế giới này.

Không những vậy, khi bạn đi làm được, bạn đóng thuế, khi bạn mất việc, bạn sẽ được xã hội bù đắp lại trợ cấp thất nghiệp 70% lương của bạn trong 2-3 năm tùy đối tượng. Đó là lẽ công bằng.

Lấy tiền người giàu từ thuế thu nhập cá nhân, chia cho người nghèo qua hình thức trợ cấp xã hội. Đôi lúc không cần phải lớn tiếng mạnh miệng mục đích to tát gì, mà chỉ cần tiến hành những chính sách thiết thực, thu hút chất xám, đem lại lợi ích cho mọi người. Bởi vì thật sự bạn sẽ khó phân biệt một người giàu hay nghèo qua cách ăn mặc khi ra ngoài đường trừ phi bạn xem bảng lương và bảng báo cáo thuế thu nhập cá nhân của họ.

Khen nhiều quá, tôi cũng sợ bị ném đá vì bị cho là xu nịnh. Nhưng cái gì tốt thì mình cũng cần phải khen ngợi chứ! Tôi viết với văn phong rất tự do như chính không gian nơi tôi đang sống, tự do tự tại, không theo một lề lối gò ép nào cả, để độc giả cùng hiểu hơn về nước Pháp.

Bài viết : Nguyễn Thái Hòa

read more