Những cách giúp đầu óc luôn minh mẫn và sáng tạo

Hãy rời khỏi màn hình máy tính. Facebook đang là mối bận tâm lớn nhất của bạn mỗi khi vào mạng, báo online là nguồn tin tức gần như duy nhất của bạn sau rất nhiều thời gian xa cách với các nguồn thông tin từ đài và tivi. Nhưng, hãy “rũ bỏ” màn hình máy tính nhiều hơn để có thời gian dành cho những việc khác.

Thực tế là thời gian chạy chậm hơn rất nhiều ở ngoài đời sống hơn là trên máy tính nên nếu không rời được màn hình máy tính, bạn sẽ không thể có thời gian đi tập gym với đám bạn gái hay làm những công việc giải trí khác. Nếu “ngụy biện” rằng bạn đang online để tìm hiểu thông tin thì không có giải pháp nào tốt hơn bằng việc khăn gói lên thư viện trường để tìm thông tin từ các tài liệu chính thống. Từ đầu năm học thầy cô đã cho bạn một số đầu sách tham khảo chuyên ngành? Hãy tận dụng lí do này để rời máy tính và đi thư viện.

Nếu muốn dọn sạch những áp lực thi cử, đứng dậy xách giỏ đi siêu thị cũng là một trong những cách giảm stress hiệu quả của du học sinh.

Đi uống café. Đi uống café sẽ mang lại cho bạn một không gian mới mẻ để có thể khơi nới những ý tưởng mới toanh trong đầu. Ở nước ngoài, gần như mỗi quán café là thành quả của rất nhiều cá tính sáng tạo của mỗi chủ nhân, giúp bạn tìm thấy những ý tưởng trẻ trung, thậm chí còn rất… chịu chơi. Quán Latei ở Amsterdam được ví như “nhà kho của mọi nhà kho” khi gần như tất thảy mọi thứ trong quán đều là đồ cũ mang hơi hướm vintage, hễ món hàng second-hand nào đó “lọt mắt xanh” bạn trong lúc uống café thì bạn cũng có thể mua chúng. Thật ra những chuỗi café “mì ăn liền” cũng không hề thiếu tính sáng tạo đâu nhé, bằng chứng là sinh viên nước ngoài thường có thói quen kéo nhau ra Starbucks hay Coffee Company để làm bài tập nhóm.

Đừng ngại bắt chuyện người lạ. Trên phim ảnh, một người nào đó không quen thuộc đôi khi lại có những tác động rất lớn đến cách bạn nhìn nhận cuộc sống hay tháo gỡ những nút thắt của hiện tại. Vì thế, hãy để ý nhiều hơn đến xung quanh và nhất là những câu chuyện mà mọi người đang trao đổi nhau: đám các khách hàng ngồi trong nhà hàng, ông già râu bạc ngồi cùng băng ghế trong công viên, cô lao công quét trường… Cách hay nhất là hãy mỉm cười chào với một ai đó mà bạn cũng cảm thấy đang có nhu cầu trò chuyện.

Kết thúc một công việc gì đó còn dang dở. Bạn sẽ không thể để đầu óc thảnh thơi trước khi bắt tay vào một nhiệm vụ nào đó nếu cứ lấn cấn vì một công việc nào đó còn dang dở. Chính vì thế, hãy cố gắng làm cho xong một trong những công việc khả thi nhất (trong số những công việc tồn đọng) mà bạn có thể làm ngay hôm nay. Đôi khi những công việc dở dang cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công việc chung nên tốt nhất là đừng trì hoãn nhiệm vụ của bạn nữa. Chẳng hạn khi làm video cho môn Vấn đề ở thế kỉ 21 của Xã hội châu Âu hồi còn là sinh viên tại The Hague University of Applied Sciences (Hà Lan), Minh Trang đã gặp rắc rối vô cùng vì đã đến ngày dựng video mà các đoạn clip vẫn chưa được hoàn thành.

Làm một việc quái chiêu nào đó, hay ít nhất là hãy tham gia vào một trò khác thường (thậm chí đáng sợ) nào đó do những người bạn thân phát động: Đạp lên rồi lại đạp xuống con dốc ngay gần nhà, mặc quần trong váy, tham gia hát karaoke trong một chương trình “hát cho nhau nghe” giữa trung tâm thương mại hay chủ động xin số anh chàng điển trai lớp bên cạnh chẳng hạn.

Về với thiên nhiên. Chỉ những ai đã từng học tập hay sinh sống ở một siêu đô thị mới hiểu được giá trị của một khoảnh vườn nho nhỏ hay không khí tươi mới nơi đồng xanh. Sau những cuộc đi chơi về những khoảng xanh hiếm hoi đó, tinh thần của bạn chắc chắn cũng sẽ được “thanh lọc” rất nhiều, sẵn sàng cho những trải nghiệm mới mẻ khác. Chính vì thế, ngay từ cuối tuần này hãy nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi picnic cùng đám bạn cùng lớp ở ngay công viên trung tâm hoặc đạp xe đi thăm ngôi làng ở ngay cạnh cũng là một cách hay.

Trang ami

 

read more

Những kỹ năng sẽ giúp bạn “sống sót” khi đi du học

Đi du học, ngoài việc trang bị kĩ lưỡng về tài chính và tinh thần tự lập, bạn còn phải có một số kỹ năng sống quan trọng nữa.

Kỹ năng chọn bạn

Ở môi trường nước ngoài, việc có một người bạn đã khó, nhưng chọn đúng bạn lại là việc khó hơn. Có những người bạn chơi rất hợp nhưng khi học chung lại không hề có cùng quan điểm hay thái độ cộng tác. Chính vì thế, không tính những lần học nhóm hay thuyết trình đầu tiên (mang tính “xé nháp”), bạn nên chịu khó quan sát và chọn ra cho mình một người bạn tiềm năng để rủ họ cùng làm việc.

Đối với những người bạn không nghiêm túc khi học nhóm chung (trễ hạn nộp, không chịu làm bài…) bạn nên cứng rắn thẳng thắn nói chuyện với họ hoặc nhờ đến trợ giúp của giảng viên.

Cuối cùng, có một sự thật cần lưu ý là ở nơi nào có nhiều sinh viên quốc tế thì nơi đó dễ kết bạn và không khí học tập cũng cởi mở hơn nhiều những nơi có toàn sinh viên bản địa. Tóm lại, để có được cảm tình của tất cả, ngay từ đầu bạn hãy thân thiện mỉm cười hay chào hỏi tất cả mọi người xung quanh.

Kỹ năng nói không

Sinh viên nước ngoài, đặc biệt những bạn bè đến từ các nước châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Địa Trung Hải thường rất “chịu chơi”. Họ có lẽ là những sinh viên quốc tế ham tiệc tùng nhất mà bạn sẽ gặp. Chính vì thế, khi kết bạn với họ, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm thế nói “Không” trước một số cuộc vui quá đà, đặc biệt là khi những party này ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc làm thêm hay quan trọng nhất là việc học của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng phải biết mình biết ta trong khâu mua sắm, đặc biệt là với các du học sinh nữ. Nếu tháng này bạn đã cạn tiền ăn và ở nhà cũng không còn lương thực khô trữ sẵn, hãy thẳng thừng nói không với cái váy lung linh ở bên trong cửa kính! Liệu pháp tinh thần tốt nhất của khoảnh khắc đó là bạn nên biết chiếc váy sẽ được bán với giá rẻ hơn 50% trong mùa sales tới, và nếu mua nó lúc này bạn sẽ trở thành một kẻ “đã vô sản rồi còn bị mua hàng… hố”. ;-)

Kỹ năng lập trình công việc nhà

Đi du học, bạn sẽ phải đạo diễn từ A đến Z công việc nhà. Điều này là cực hình không chỉ của du học sinh Việt mà còn với sinh viên quốc tế. Nhưng yên tâm là một khi có đầu óc tổ chức một chút, bạn sẽ thấy những việc này cũng không tốn thời gian lắm đâu.

Chẳng hạn, nếu nhà bạn không có máy giặt và thường phải dành hẳn một buổi sáng chủ nhật để đi giặt sấy ở phòng giặt công cộng trong thành phố. Hãy xách cả vali đồ bẩn vào khu kí túc xá ngay trong khuôn viên trường Đại học vào chiều thứ tư, ngày bạn thường đi thư viện học bài. Như vậy, áo quần của bạn vẫn được giặt giũ trong khi bạn ngồi thư viện và sáng chủ nhật của bạn vẫn được trả lại cho “khổ chủ”.

Nếu sống chung với bạn bè quốc tế, bạn nên thống nhất việc dọn dẹp nhà chung vào cuối tuần. Cứ đến giờ đó thì làm theo đúng nguyên tắc. Về chuyện bếp núc, bạn có thể nấu vào buổi tối hôm trước để chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa hôm sau, hoặc cũng có thể cắm cơm từ sáng trong lúc tắm để tối về nhà khỏi phải tốn thời gian cho việc này.

Từ khóa của kỹ năng này căn bản là n trong 1, hô biến bạn thành một người linh động.

Kỹ năng thức khuya dậy sớm

Nhiều du học sinh không thể thu xếp thời gian tự học vào ban ngày (vì lí do bận học ở trường hoặc đi làm thêm) nên nhiều bạn đã chọn thức khuya làm bài. Đặc biệt là vào kì thi, tần số thức khuya càng diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ôn bài, bạn không nên ngồi gần cái máy tính (có kết nối Internet) và cũng đừng nên ngồi quá gần chiếc giường êm ái! Cách duy nhất để giải quyết tình trạng thức khuya học bài là phải thiết kế lại thời gian biểu giữa việc làm thêm và học tập.

Còn một khó khăn nữa là việc phải dậy sớm đi học vào buổi sáng. Du học sinh không phải ai cũng có cơ hội ở ngay trong khu kí túc xá Đại học, chính vì thế nhiều người phải trải qua một quãng đường dài hàng tiếng đồng hồ bằng phương tiện công cộng để đến trường. Vào mùa Đông, việc đấu tranh nội tâm giữa việc “đi học hay ngủ tiếp” vì thế cũng xảy ra thường xuyên hơn. Vào những lúc đó hãy nghĩ rằng buổi học hôm nay cũng quan trọng như khi có bài kiểm tra, hoặc “chỉ cần bước ra ngoài trời tuyết mình sẽ hết buồn ngủ ngay”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, bạn nên lưu ý việc chọn thuê nhà ngay từ đầu sao cho thuận tiện cả việc đi học lẫn làm thêm.

Chúc các bạn một mùa Đông du học không-vắng-buổi-học-nào nhé!

Trang ami

read more

Du học và mùa SALE

Đi du học, một trong những thời điểm bạn nên tick dấu đỏ trong sổ tay chính là các đợt giảm giá (sales) lớn trong năm (sắp tới là sales mùa hè) để mua được thật nhiều đồ đẹp dù chỉ có một túi tiền khiêm tốn.

Mùa thứ 5 trong năm

Ở châu Âu, ngoài bốn mùa của trời đất còn có một mùa được chờ mong nhất, đó là mùa sales. Không chỉ có nữ giới mới thiết tha mùa các cửa hàng đồng loạt treo biển giảm giá, bởi các sản phẩm (chủ yếu là áo quần) cho nam giới hay người già, trẻ nhỏ cũng sales hết cỡ.

Mùa giảm giá của người Pháp (soldes) có lẽ là thu hút nhất. Thông thường mùa sales ở đây bắt đầu vào cuối tháng sáu đến tháng 7, có cửa hàng còn ngoan cố kéo dài tới đầu tháng 8. Khi đó, không chỉ có các thương hiệu gần gũi với du học sinh (Zara, H&M, Mango) giảm giá mà ngay cả những hãng lớn như Prada hay Alexander McQueen cũng không chịu đứng ngoài. Mỗi cửa hàng giao kèo một luật sales khác nhau, từ mức độ giảm giá (30-70%) đến chương trình khuyến mãi mua 3 tính tiền 2…

Ở Hà Lan, mùa sales còn trải dài lác đác quanh năm suốt tháng với những chiêu trò níu kéo khách hàng riêng. Mấy ngày nay, các cửa hàng còn treo biển sales nửa mùa để khuấy động tinh thần mùa sales lớn sắp tới vào khoảng tháng 6. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những mùa sales nửa mùa này chỉ có tính vớt vát bởi mẫu mã cũng không thực sự “xuất chúng”.

Tips cho những tín đồ giảm giá

Đơn giản thôi, quy luật quan trọng nhất để đi shopping mùa giảm giá là người đi sớm sẽ mua được đồ đẹp và tốt. Hạnh, chị bạn tôi, luôn dành ra cả một ngày dài chỉ dành để “đi soldes” vào ngày đầu tiên. Theo lời chị ấy, dù có đôi khi phải “cạnh tranh” một chút với những tín đồ hàng giảm giá khác, nhưng bù lại sẽ có nhiều sự lựa chọn về kiểu dáng và màu sắc hơn.

Có thể các cửa hàng sẽ hạ giá nhiều hơn vào thời gian cuối, nhưng tới khi đó cũng chỉ còn những món đồ ngoại cỡ hoặc quá nhỏ so với số đo của bạn. Tuy nhiên, người Việt mình vì thân hình nhỏ (đa số mặc siaze 34-36) nên thông thường vẫn dễ mua đồ đẹp bởi chúng quá nhỏ so với phom người châu Âu (cỡ 38 trở lên). Tuy nhiên, nếu không có size (kích cỡ) của bạn thì cũng đừng cố quá nhé!

Nếu có ý định du lịch các nước châu Âu hè này, bạn có thể tham khảo bảng thông tin cơ bản về mùa giảm giá hàng tiêu dùng, thực hiện bởi Trung tâm người tiêu dùng châu Âu ở Tây Ban Nha.

Đi mua hàng giảm giá cùng với một cô bạn gái (mẹ/chị) sẽ giúp bạn bớt vung tiền cho những món đồ không cần thiết hơn. Hơn nữa, có một “quân sự quạt mo” chắc chắn sẽ khiến bạn tự tin hơn về những quyết định mang tính “tốn kém” của mình. Không phải cứ mua thật nhiều hàng giảm giá là thông minh đâu nhé!

Nếu bạn đang tính kinh doanh thời trang theo hình thức xách tay, đây là cơ hội “gom” đồ xịn, đẹp với giá cả đôi khi còn rẻ hơn đồ mua ở Việt Nam (một chiếc áo thun chỉ với 2,3 euros – dưới 100k tiền Việt).

Lên danh sách những món cần mua sẽ giúp bạn giảm bớt lượng tiền vung vít dành cho những món không thực sự cần. Tuy nhiên, đôi khi cũng nên “linh động” một chút cho những món đồ quá hời.

Cuối cùng, hãy thử so sánh hình thức giảm giá của các trang web online với ngoài cửa hàng, đôi khi bạn có thể mua được với giá rẻ hơn trên mạng. Trang web áo quần phụ kiện yêu thích nhất của tôi, thường xuyên có những đợt giảm giá lên tới 70%, là ASOS với dịch vụ chuyển hàng miễn phí đến các nước trong hệ thống: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Úc và Mĩ.

Chúc cả nhà một mùa sales năng suất!

Nguồn : Trang Ami hotcourses.vn

read more

Những ngày đầu tiên du học

Đó là những tối khóc ước gối vì cú sốc nhớ gia đình, nhớ những con đường quen chân, nhớ những mùi hương trong vườn nhà, nhớ cả một ai đó đã luôn online sáng đèn, chờ nghe những tỉ tê của buổi đầu du học.

Đó là lần đầu tiên biết tiếc tiền, quyết định giặt đồ bằng tay thay vì đi tiệm giặt công cộng. Vừa đứng lên ngồi xuống giặt đồ, vắt đồ khô, vừa tự nhủ đó là cách tốt nhất để giảm eo mà không cần phải chi cho việc đi tập thể dục hay các khóa thẩm mỹ.

Đó là ngày đầu tiên đi tàu điện ngầm, nhìn màu sắc và cách trang trí tường như… động 18 tầng địa ngục trong Suối Tiên. Đã phải mất mấy ngày mới thích nghi được với các phương tiện công cộng vì lí do say xe, nhưng rồi sau đó lại thấy mình may mắn vì được sống ở Lyon, thành phố có hệ thống metro hiện đại nhất nước Pháp.

Đó là lần đầu tiên biết kết bạn với những người bạn đến từ các nước nghe lạ hoắc. Lần đầu tiên thấy một anh chàng mặc váy và kị gặp con gái khi ra khỏi phòng vào buổi sáng. Lần đầu tiên thấy một anh chàng bỏ cả vô-lăng đang lái để lạy chào vì tưởng mình là con gái Thái. Lần đầu tiên biết thế nào là được một người khác phái ga-lăng đẩy cửa và đứng chờ mình bước vào, dù khi đó còn cách cánh cửa tận 10 mét…

Đó là ngày đầu tiên đi học. Nhìn sinh viên kín cả giảng đường, nhưng số lượng nữ gấp 5, 6 lần số lượng nam, và hầu hết là sinh viên Pháp, châu Á nhìn mãi mới có 3-4 người. Hỏi cô bạn, ừ thông thường khoa Truyền thông năm nào cũng vậy, hầu hết là nữ đó. Ồ, mình nghĩ, lại giống hồi mình học ở Ngoại thương! (Mai Anh, sinh viên khoa Info-com, Đại học Paris 8, Pháp)

Đó là lần đầu tiên biết đạp xe miệt mài và quyết tâm phải mang được cả xe cả người về nhà, dù gió biển Bắc ngả nghiêng bắt nạt, biết cười toe khi được một ai đó nhắc chừng cái chân chống xe lỏng lẻo, biết chuẩn bị mũ mão, áo mưa khi ra đường, biết xót ruột khi xe xẹp lốp, lỏng phanh cần bàn tay anh thợ sửa xe, biết thương hơn những vòng quay xe đạp của mẹ đã chở minh qua biết mấy con đường thuở bé dại.

Đó là lần đầu tiên biết đưa má cho một anh chàng cao kều cúi xuống hôn chào mà không xấu hổ hay bị một ai đó dòm ngó, chỉ trỏ. Đó là lần đầu tiên được mặc tất cả những gì mình muốn đến trường mà không sợ bị ngó nghiêng, bàn tán.

Đó là ngày đầu tiền đặt chân tới Boston và cảm nhận được cái rét của nước Mỹ khi mới chỉ cuối tháng 11, nhưng lại không thể kiếm được ông tài xế cũng như số điện thoại liên lạc về trường. Đó là ngày tự mò mẫm đi xe bus và subway nhưng đêm hôm khuya khoắt lại không thể kiếm được đường về nhà vì nhà host vẽ sai bản đồ. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên biết thế nào là đi trên những con đường xa lạ, và đi tới đích. (Lâm Gia Linh, MCPHS University, Boston, Hoa Kỳ).

Nguồn : Hotcourse.vn

read more

Nỗi niềm của kẻ du học xứ người!

Uh rồi sẽ thế nào nhỉ…hình dung nhé…có lẽ sẽ là như thế này này…
Du học có nghĩa là mổi buổi sáng thức dậy, cảm giác đầu tiên sẽ là sự cô đơn, rồi tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì. Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng, ráng lên nào, sống vì tương lai. ..
Du học có nghĩa là sẽ đeo balô trên lưng và sách nặng cầm trên tay, bước vào cổng trường và nhớ ngày xưa mình đi học còn vì niềm vui được gặp bạn bè mỗi ngày. Bây giờ mình đi học, cũng vì niềm vui ấy ở thì tương lai..

Du học có nghĩa là sẽ có ngày bật khóc, chỉ còn cảm giác run lên và sự trống rỗng trong đầu, buồn bã, cô độc và bi quan! Đây đâu phải là mình?

Du học có nghĩa là da sẽ trắng. Gió lạnh thổi tan nắng mỏng manh khiến da vàng cũng thành trắng xanh, trắng muốt. Và gió thổi bay cả những gân hồng ngọt ngào của một đất nước xa xôi, thổi khô nước mắt, lạnh tình người và lạnh trái tim.

Du học có nghĩa là một buổi trưa lang thang trên sân trường, ngồi nói chuyện với bạn hay chỉ có mình mình trong thư viện. Tất cả đều không mang cảm giác ĐỦ! Chỉ biết mình đang sống tạm, sống thiếu thốn tình cảm, sống để sau này sẽ được sống ĐỦ!

Du học có nghĩa là cơm trắng ngon hơn hamburger, pizza không bằng bánh mỳ, và pasta hay mì Ý cũng kô sánh được với bát bún gà giản đơn. Đi nhà hàng nhìn 1 menu dài đằng đặc nhưng lại chỉ thấy thèm những món ăn mẹ nấu..

 

Du học có nghĩa là sẽ phải nhìn theo cái vẫy tay xa xăm của người thân sau lớp kiếng ngăn cách ở sân bay, là nụ cười và lời chúc của bạn tiễn đưa, là nước mắt của mình sau lớp chăn bông dầy, là câu hứa năm sau gặp lại bật ra trên những đôi môi run, là thời gian rất dài…

Du học có nghĩa là tức tối khi muốn viết câu văn hay mà từ vựng lại nằm đâu đó quá xa trong cuốn từ điển dày cộm, là mệt mỏi khi quyển sách lịch sử quá dày mà mắt đã đỏ vì thức khuya, là ngu ngơ tập phát âm thêm một thứ ngôn ngữ khác nữa ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, là lóng ngóng thức cả đêm để hoàn thành một bài assigment, là mới toanh trong 1 ngôi trường và những luật lệ.

Du học có nghĩa là lớn lên. Cầm dao xắt hành và ôm đũa chiên cơm, nặn bột làm bánh bao và cookies. Lấy giấy tờ và đôi co vì một quyền lợi, nắm tương lai trong tay và tự đóng khuôn để đúc chính mình, rớt vào một mặt khác của trái đất, sẽ nhận thấy những điều mình hiểu lâu nay không đơn giản như mình hiểu, sợ hãi trước cuộc đời nhưng nôn nóng muốn bước vào đương đầu với nó.

co-don-du-hoc

Du học có nghĩa là sẽ lo lắng khi một người bạn đóng cửa blog hay không trả lời message của mình trong Yahoo Messenger. Thấy bạn mình xa và mình thì bất lực… Và yên tâm khi cánh cửa lại hé mở, thở phào, uh bạn không sao, mỉm cười, lại được đọc về bạn nữa rồi, nháy mắt, bọn mình đâu có xa…

Du học có nghĩa là sẽ chỉ được nhìn bố mẹ qua khung webcam mờ nhỏ xíu trên màn ảnh vi tính và nghe mẹ cười hiền, mấp máy con đừng lo trong điện thoại. Nhưng sau lưng, bố mẹ đang phải vật lộn với những núi đá nặng trịch của cuộc đời, còn trước mặt mình lại là tương lai thênh thang mở rộng. Má ấm lên giọt nước mắt, vì tình yêu bao la có nghĩa là hy sinh với nụ cười trên môi..

Du học có nghĩa là tự hào. Tự hào thấy mình thay đổi, tự hào thấy mình đang lớn, tự hào vì mình được yêu thương

Du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa với mình, với người ta, với gia đình, với bạn bè. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh. Tự hứa và tự ráng hoàn thành lời hứa.

Du học có nghĩa là đi XA học. Là đi học ở xa. Là đi học ở rất xa. Là đi học ở rất rất xa…

Far from home,self-reliant. Never forget difficult time to strive for mastery and future!!!

Try ur best n never say repent!!!

By :Ha Tien Cuong ( Internet )
read more

Tại sao nước Pháp là điểm đến thích hợp với người Việt Nam

Đất nước của kinh đô ánh sáng hiện nay có khoảng 7.500 du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc do chất lượng giáo dục cao, mở cửa với sinh viên quốc tế, nhiều cơ hội học bổng và làm việc sau tốt nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà số du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng mạnh như hiện nay. Mỗi năm Pháp tiếp nhận gần 1.500 sinh viên Việt Nam, số lượng này tăng liên tục và không dưới 150 hợp tác được ký kết giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam.

Chất lượng giáo dục Pháp được đánh giá cao trên thế giới với nhiều ngành mũi nhọn như kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, kinh tế, khoa học cơ bản…

Đặc biệt việc chi trả cho thời gian học tập ở Pháp khá đa dạng và không quá đắt đỏ so với một số quốc gia Âu – Mỹ khác. Mức học phí đại học tại Pháp rất rẻ, vào khoảng 174 euro một năm cho bậc đại học, 237 euro cho bậc thạc sĩ và 359 euro cho bậc tiến sĩ.

Mức học phí này áp dụng chung cho cả sinh viên Pháp và nước ngoài. Ngoài ra, những sinh viên được học bổng của Chính phủ Pháp còn được miễn học phí.

Các học bổng khá dồi dào như: học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp, học bổng tài năng Eiffel trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm, học bổng tiến sĩ Erasmus-Dem, học bổng Bộ giáo dục – Đào tạo Việt Nam…

Lâm Thanh Phong, du học ngành cầu đường tại Đại học Ecole Nationale des Ponts et Chausesees (ENPC), vốn được đánh giá là trường đào tạo kỹ sư cầu đường tốt nhất Pháp, cho biết: “Nếu quan tâm và đầu tư ngay từ đầu thì việc xin được học bổng du học Pháp là nằm trong tầm tay”.

Điểm cộng khác là mạng lưới sinh viên ở Pháp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú gắn kết các thế hệ du học sinh và hỗ trợ tân sinh viên làm quen cuộc sống mới.

Lời khuyên từ rất nhiều cựu sinh viên là dù đến Pháp theo diện du học tự túc hay học bổng thì việc xúc tiến tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. “An cư” mới “lạc nghiệp”, ngay khi có giấy báo nhập học của trường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên để làm thủ tục.

Ngoài ra, cộng đồng sinh viên Việt Nam thường trao đổi thông tin về nhà ở để giúp đỡ nhau, đặc biệt vào cuối năm học, khoảng tháng 5 thì dễ dàng tìm nhà trọ do các bạn sinh viên Việt Nam học xong chuyển thành phố hoặc vê nước. Việc thuê nhà trọ, bạn cần kĩ lưỡng và có hợp đồng chi tiết để tránh gặp rắc rối về sau.

Ở Pháp, với thẻ sinh viên, có thể làm việc mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ lao động không quá 964 giờ trong một năm. Các công việc phổ biến bao gồm trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà…

Thu nhập từ công việc làm thêm sẽ giúp trang trải đáng kể chi phí sinh hoạt, giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, thuận lợi để tìm kiếm công việc sau tốt nghiệp bởi yếu tố độc lập, trưởng thành ở phương Tây luôn được đánh giá cao.

Yếu tố bảo hiểm cần được lưu tâm. ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, du học sinh nên mua thêm bảo hiểm bổ sung, chỉ cần chi thêm một khoản nhỏ nhưng được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Kỳ thực tập bắt buộc có thể bắt đầu ngay từ năm 1, thường kéo dài 1 đến 3 tháng, và kỳ thực tập năm cuối dài hơn, thường 4 – 9 tháng. Do đó du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Một lưu ý nữa là nếu đăng kí khóa thực tập càng dài thì càng dễ bởi điều này mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn.

Tại Pháp, bạn có thể theo học các chương trình về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do đó yêu cầu biết tiếng Pháp trước khi du học không phải bắt buộc. Tuy vậy, nếu chịu khó đầu tư vốn tiếng Pháp “vừa đủ xài” bạn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ hay xin học bổng cũng như việc sinh sống, học tập sau này.

Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi, các cuộc thi thú vị ở các chi hội sinh viên Việt Nam ở các thành phố diễn ra quanh năm là một điểm nhấn đáng yêu của cộng đồng du học sinh nơi xứ người.

Sưu tầm : Internet

read more