Người Pháp cứ nghỉ ngơi, người Hoa cứ kiếm tiền

Trong khi người Pháp đang ‘sợ’ phải đi làm nhiều, người Hoa vẫn cặm cụi kiếm tiền với thời gian gấp đôi: 60 giờ/tuần.

Nội dung nổi bật:

- Hai nguyên tắc lao động phổ biến ở Pháp là: Không giao dịch vào Chủ Nhật, chỉ làm việc 35 giờ/tuần.

- Dân nhập cư Trung Quốc lại làm việc với thời gian và cường độ gấp đôi. Họ biết cách sống “ẩn” mà không cần có giấy tờ, tự làm kinh doanh để tránh rơi vào thất nghiệp. Các doanh nhân người Hoa đang dần dần chiếm lĩnh nhiều mảng kinh doanh tại Pháp.


 

Một trong những khu phố người hoa ở Paris, luôn luôn nhộn nhịp

Trong khi người lao động Pháp đang lo suy thoái kinh tế dai dẳng sẽ khiến chính phủ chấm dứt luật cấm buôn bán vào Chủ nhật cũng như chế độ làm việc 35 giờ/tuần, những người dân nhập cư Trung Quốc vẫn đang thầm lặng kiếm tiền miệt mài theo cách cũ: 11 giờ/ngày, 6 ngày/tuần.

Người Pháp cứ tranh luận, người Hoa cứ kiếm tiền

Zhang Chang, dân nhập cư người Hoa hiện đang kinh doanh quán cà phê Le Marais ở trung tâm Paris, tỏ ra thắc mắc trước sự thay đổi của bộ luật nước Pháp khi cắt bớt 4 tiếng lao động trong tuần so với năm 1990: “Tôi thấy thế này, khi bạn làm việc, bạn có tiền. Tại sao lại chỉ dừng lại ở 35 tiếng?”

Quán cà phê của anh Zhang cũng chỉ là một phần nhỏ giữa làn sóng di cư từ vùng đất ven biển Ôn Châu, Trung Quốc sang nước Pháp xa xôi. Những người này làm việc cật lực, tập trung vào những mảng được miễn chế độ 35 giờ/tuần và luật cấm giao dịch vào Chủ Nhật như kinh doanh bar, nhà hàng…

Kiểu làm việc đó đi ngược lại với tiêu chuẩn cân bằng giữa cuộc sống và công việc người Pháp coi trọng bấy lâu và được các công đoàn bảo vệ trong suốt thế kỷ vừa qua, nhưng lại rất phù hợp với những ai cảm thấy giờ là lúc cần thay đổi.

Trong cuộc thăm dò gần đây, 71% người Pháp trả lời rằng họ sẵn sàng làm việc vào Chủ Nhật nếu lương tăng vọt. Bên cạnh đó, nhiều dân văn phòng và chủ doanh nghiệp Pháp cũng nói thực tế trong một tuần họ vẫn làm việc trên 35 tiếng.

Dù vậy, chính phủ Pháp vẫn không muốn “đụng vào” các công đoàn nên đến nay vẫn bảo vệ lệnh cấm buôn bán vào Chủ Nhật, chế độ “35 giờ/tuần” bị tảng lờ trong đợt cải cách nhằm mục đích giảm thiểu cứng nhắc trong nội quy lao động.

Tinh thần doanh nhân mang theo từ quê nhà

Thành công của anh Zhang và bà Xiao chỉ là một dấu hiệu nhỏ cho sự hiện diện ngày một tăng của người Hoa trên đất Pháp, song song với những doanh nhân châu Á nắm trong tay những vườn nho nổi tiếng hay cổ phiếu bluechip tiền tỷ.

Giống như 150.000 người dân Ôn Châu nhập cư vào Pháp từ những năm 80, 90, anh Zhang đặt chân đến vùng đất này vào năm 1996 nhưng không có giấy tờ lao động, làm một loạt những công việc ngoài sổ sách cho đến khi có được thẻ xanh. Đó là cách người Ôn Châu vẫn dùng khi nhập cư vào đây và trở thành động lực kinh tế của cộng đồng châu Á tại Pháp.

Trong cuốn “Người Hoa ở Paris”, nhà nghiên cứu Richard Beraha đề cập: “Họ không cần điều gì từ chính phủ Pháp vì đã biết cách “ở ẩn” không cần giấy tờ, cũng không lo bị thất nghiệp vì cơ bản tất cả đều tự làm kinh doanh.”

Thành phố cảng Ôn Châu cách Thượng Hải 500 cây số về phía Nam nổi tiếng với văn hóa tự kinh doanh. Khi tới Pháp, thành viên trong gia đình góp sức lao động và vốn, tiền “gieo giống” để khai trương một cửa hàng đồ ăn take-away chỉ rơi vào khoảng 67.800 USD, người thân kiêm luôn nhân viên để chi phí lao động luôn ở mức thấp nhất.

Các quán bar là tâm điểm của đời sống Pháp. Người dân có thể tới đây mua đồ uống, thuốc lá, cá cược đua ngựa, đây toàn là những hoạt động nhiều chủ doanh nghiệp Pháp cấm vì lao động thì nhiều mà lợi nhuận lại ít. 60% những doanh nghiệp bán hàng tại Paris được người châu Á, chủ yếu là người Hoa mua lại. Patrick Loubiere, chủ quán bar Le Celtic người Pháp than thở: “Chẳng còn mấy ai như tôi. Giới trẻ có vẻ không thích kinh doanh vì với nhiều đứa, đó là công việc phải “thức khuya, dậy sớm”, giờ bọn trẻ đang lười dần.” Patrick Loubiere cũng lo lắng con trai của mình không chịu tiếp quản sự nghiệp kinh doanh.

Yves Boungnong, dân nhập cư người Lào, chủ quán bar nhận xét: “Ở đây chỉ có dân nhập cư muốn làm việc chứ không phải người Pháp.”

Những láng giềng ‘ghen ăn tức ở’

Tình trạng người Trung Quốc tiếp quản kinh doanh khiến người dân địa phương chê “giờ đây nhiều nơi kiếm bắp cải Trung Quốc còn dễ hơn kiếm bánh mỳ que Pháp” và tỏ ra bất mãn khi các chủ quán bar Trung Quốc phải phục vụ thêm đồ ăn Pháp với thái độ bất đắc dĩ. Tờ tạp chí Le Point của Pháp còn đăng bài viết mang tựa “Làm thế quái nào họ làm được như vậy?” và liệt ra “năm điều răn” trong cách lao động của người Trung Quốc:

1. Làm việc 80 tiếng/tuần.

2. Ngủ ngay trong cửa hàng.

3. Không phải trả lương nhân viên vì đó là người nhà.

4. Không đóng góp cho hệ thống nhà nước.

5. Không nộp thuế.

Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra hoạt động bất hợp pháp mảng kinh doanh bar tại Paris khởi động vào năm ngoái cho thấy tình trạng trốn thuế tại Trung Quốc cũng chẳng hề phổ biến hơn so với những cộng đồng khác.

Pierre Aidenbaum, thị trưởng the Third Arrondissement – nơi những cửa hàng may mặc người Do Thái bỏ lại từ năm 1950 được người Trung Quốc mua lại, cho rằng cảm giác đó chỉ là sự ganh tị trong khoảng thời gian khó khăn: “Chúng ta đang ganh tị với những người hàng xóm thành công.”

Xung đột giữa người Pháp và Trung Quốc kéo dài một thập kỷ đã được hòa giải sau khi các doanh nghiệp buôn đồng ý đóng cửa vào Chủ Nhật và các xưởng cũng ngừng chạy máy may sau 8h tối. “Nhưng ngày nay sân thượng cà phê của người Hoa còn gây ra lắm tiếng ồn hơn cả các xưởng trước đây.”

Mặt trái của sự chăm chỉ: bóc lột sức lao động

Báo cáo năm 2005 của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Geneva cho thấy các nhà hàng, xí nghiệp bóc lột công nhân của người Trung khá coi thường các quy định lao động. Sở dĩ những người dân nhập cư bị bòn rút sức lao động là vì đã lâm vào đường cùng. Những người nhập cư không gia đình đến từ Đông Bắc Trung Quốc thường bị người Ôn Châu coi thường và bóc lột bằng những công việc như bảo mẫu, đầu bếp, giao hàng và thợ móng tay. Nhiều phụ nữ mong muốn giúp đỡ gia đình phải trở thành gái mại dâm để hoàn lại số tiền khi được buôn lậu vào trong nước, thường là trên 12.000 Euros.

“Thành công kinh tế cũng có nhưng chỉ là thiểu số. Rất nhiều người Hoa không có cửa hàng riêng, họ phải làm việc trong các nhà máy, nhà hàng nhỏ và làm việc vặt”, Donatien Schramm, giáo viên tiếng Pháp cho người Trung Quốc mới nhập cư cho biết.

Nhiều dấu hiệu cho thấy thái độ của người Pháp về việc lao động trong thời gian dài đang bắt đầu thay đổi. Lần đầu tiên trong cả nước, những người lao động mở cửa hàng tại nhà đổ xuống đường để phản đối tòa án khi buộc họ phải đóng cửa vào Chủ nhật.

“Người dân Pháp không còn đói kém, nhưng họ phải quay lại với công việc vì những người dân nhập cư luôn sẵn sàng lao động với cường độ và thời gian gấp đôi. Và chẳng mấy chốc họ sẽ trở thành ông chủ.”

Thùy An

Theo Trí Thức Trẻ/BI

read more

Tại sao nước Pháp là điểm đến thích hợp với người Việt Nam

Đất nước của kinh đô ánh sáng hiện nay có khoảng 7.500 du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc do chất lượng giáo dục cao, mở cửa với sinh viên quốc tế, nhiều cơ hội học bổng và làm việc sau tốt nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà số du học sinh Việt Nam tại Pháp tăng mạnh như hiện nay. Mỗi năm Pháp tiếp nhận gần 1.500 sinh viên Việt Nam, số lượng này tăng liên tục và không dưới 150 hợp tác được ký kết giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam.

Chất lượng giáo dục Pháp được đánh giá cao trên thế giới với nhiều ngành mũi nhọn như kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, kinh tế, khoa học cơ bản…

Đặc biệt việc chi trả cho thời gian học tập ở Pháp khá đa dạng và không quá đắt đỏ so với một số quốc gia Âu – Mỹ khác. Mức học phí đại học tại Pháp rất rẻ, vào khoảng 174 euro một năm cho bậc đại học, 237 euro cho bậc thạc sĩ và 359 euro cho bậc tiến sĩ.

Mức học phí này áp dụng chung cho cả sinh viên Pháp và nước ngoài. Ngoài ra, những sinh viên được học bổng của Chính phủ Pháp còn được miễn học phí.

Các học bổng khá dồi dào như: học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp, học bổng tài năng Eiffel trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm, học bổng tiến sĩ Erasmus-Dem, học bổng Bộ giáo dục – Đào tạo Việt Nam…

Lâm Thanh Phong, du học ngành cầu đường tại Đại học Ecole Nationale des Ponts et Chausesees (ENPC), vốn được đánh giá là trường đào tạo kỹ sư cầu đường tốt nhất Pháp, cho biết: “Nếu quan tâm và đầu tư ngay từ đầu thì việc xin được học bổng du học Pháp là nằm trong tầm tay”.

Điểm cộng khác là mạng lưới sinh viên ở Pháp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú gắn kết các thế hệ du học sinh và hỗ trợ tân sinh viên làm quen cuộc sống mới.

Lời khuyên từ rất nhiều cựu sinh viên là dù đến Pháp theo diện du học tự túc hay học bổng thì việc xúc tiến tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. “An cư” mới “lạc nghiệp”, ngay khi có giấy báo nhập học của trường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên để làm thủ tục.

Ngoài ra, cộng đồng sinh viên Việt Nam thường trao đổi thông tin về nhà ở để giúp đỡ nhau, đặc biệt vào cuối năm học, khoảng tháng 5 thì dễ dàng tìm nhà trọ do các bạn sinh viên Việt Nam học xong chuyển thành phố hoặc vê nước. Việc thuê nhà trọ, bạn cần kĩ lưỡng và có hợp đồng chi tiết để tránh gặp rắc rối về sau.

Ở Pháp, với thẻ sinh viên, có thể làm việc mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ lao động không quá 964 giờ trong một năm. Các công việc phổ biến bao gồm trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà…

Thu nhập từ công việc làm thêm sẽ giúp trang trải đáng kể chi phí sinh hoạt, giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, thuận lợi để tìm kiếm công việc sau tốt nghiệp bởi yếu tố độc lập, trưởng thành ở phương Tây luôn được đánh giá cao.

Yếu tố bảo hiểm cần được lưu tâm. ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, du học sinh nên mua thêm bảo hiểm bổ sung, chỉ cần chi thêm một khoản nhỏ nhưng được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Kỳ thực tập bắt buộc có thể bắt đầu ngay từ năm 1, thường kéo dài 1 đến 3 tháng, và kỳ thực tập năm cuối dài hơn, thường 4 – 9 tháng. Do đó du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Một lưu ý nữa là nếu đăng kí khóa thực tập càng dài thì càng dễ bởi điều này mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn.

Tại Pháp, bạn có thể theo học các chương trình về tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do đó yêu cầu biết tiếng Pháp trước khi du học không phải bắt buộc. Tuy vậy, nếu chịu khó đầu tư vốn tiếng Pháp “vừa đủ xài” bạn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ hay xin học bổng cũng như việc sinh sống, học tập sau này.

Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao sôi nổi, các cuộc thi thú vị ở các chi hội sinh viên Việt Nam ở các thành phố diễn ra quanh năm là một điểm nhấn đáng yêu của cộng đồng du học sinh nơi xứ người.

Sưu tầm : Internet

read more